Các nhà phân tích cho rằng, những nguyên nhân chính khiến giá dầu thời gian gần đây liên tiếp phá kỷ lục là đồng USD giảm giá, lo ngại cung không đủ cầu, OPEC không muốn tăng sản lượng và những bất ổn địa chính trị.
Trong khi đó, giá dầu thô nói chung tại thị trường New York ngày 16 – 4 đã lập kỷ lục 115,21 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 1983 và vào lúc 10 giờ 30 hôm nay vẫn ở mức cao 115,18 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh kể từ năm 2007 và thường xuyên lên "những đỉnh cao mới" do vậy việc giá dầu lập kỷ lục mới không phải là một tin bất ngờ mà là "chuyện thường ngày".
Các nhà phân tích thị trường dầu mỏ quốc tế thường cho rằng hiện tượng đầu cơ lượng lớn dầu trên thị trường dầu mỏ được khuyến khích bởi đồng USD giảm giá là nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng cao.
Báo cáo hàng tháng của OPEC công bố hôm thứ ba vừa qua viết: "Đồng USD yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác đã khuyến khích tăng đầu tư vào thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu thô, đẩy giá mặt hàng này lên những kỷ lục mới".
Theo báo cáo của OPEC, tháng 3 vừa qua, đồng USD tiếp tục giảm giá mạnh so với các đông tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng euro, đồng yen của Nhật Bản, đồng bảng của Anh, đồng fanc của Thụy Sĩ.
Vào lúc 10 giờ 30 hôm nay (giờ Việt Nam) tại thị trường New York, 1 euro ăn 1,5894 USD. Tuy nhiên một số nhà phân tích dự đoán đồng USD còn tiếp tục bị mất giá so với euro và 1 euro sẽ có thể đổi được 1,65 USD.
Do đó, các nhà giao dịch cho rằng chỉ khi kỳ vọng về sự giảm giá USD hoàn toàn "mất đi" thì giá dầu trên thị trường thế giới mới thực sự vào xu hướng đi xuống.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng còn có những yếu tố quan trọng khác khiến giá dầu tăng mạnh và sẽ ảnh hưởng tới xu hướng biến động giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Lo ngại cung không đủ cầu
Theo báo cáo mới nhất của OPEC, nhu cầu dầu thô của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ giảm nhẹ, trong khi đó nhu cầu dầu thô của các nước không thuộc OECD, trong đó có một số nước tại châu Á, Trung Đông và Mỹ la-tinh vẫn cao, dẫn tới nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới tiếp tục tăng.
Các chuyên gia OPEC dự đoán sản lượng dầu trung bình hàng ngày sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng, đưa sản lượng dầu mỗi ngày trong năm 2008 lên 87 triệu thùng.
Báo cáo của OPEC khẳng định, hạn ngạch sản lượng dầu của OPEC năm nay sẽ dưới 32 triệu thùng và sản lượng dầu của các nước không thuộc khối OPEC khoảng 50,3 triệu thùng.
Cho dù sản lượng dầu của OPEC có vượt quá hạn ngạch đi nữa thì các nhà phân tích cho rằng vẫn có tâm lý lo ngại về cung vượt cầu trên thị trường thế giới.
OPEC không muốn tăng sản lượng
Các nhà phân tích cho rằng, OPEC thiên về quan điểm hạn chế sản lượng để duy trì giá dầu hiện nay.
Nguồn dự trữ dầu thô của OPEC chiếm gần 80% tổng nguồn dự trữ trên thế giới và sản lượng dầu thô của tổ chức này hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô toàn thế giới. Do đó, OPEC có vai trò quyết định trong việc bình ổn cung cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng, OPEC đã ba lần quyết định giữ nguyên sản lượng kể từ tháng 12 năm ngoái. OPEC luôn duy trì quan điểm là khủng hoảng kinh tế tại Mỹ sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dẫn tới nhu cầu dầu thô trên thế giới sẽ giảm.
OPEC cũng cho rằng, thời tiết ấm lên ở các nước bắc bán cầu và thị trường dầu mỏ với nguồn cung dồi dào là những yếu tố khác cho thấy không cần thiết phải tăng sản lượng.
Sự kỳ vọng của OPEC về "giá dầu hợp lý" cũng như những tuyên bố của một số quốc gia thành viên tổ chức này rằng giá dầu đã không cách xa đáng kể mức giá hợp lý, khiến các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng OPEC sẽ tăng sản lượng để làm giảm giá dầu cao hiện nay.
Khu vực địa chính trị bất ổn
Một số "điểm nóng" về chính trị lại là những nơi cung cấp dầu cho thế giới, từng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh trong năm 2007, sẽ tiếp tục khiến nguồn cung dầu mỏ bất ổn trong năm nay.
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống Iraq, nhưng tình hình tại Iraq vẫn bất ổn. Cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq hiện không có dấu hiệu được giải quyết và triển vọng về vấn đề hạt nhân của Iran vẫn chưa được ngã ngũ. Những yếu tố này làm cho nguồn cung từ Trung Đông - một khu vực quan trọng cung cấp dầu thô cho thế giới - bấp bênh.
Một vài "điểm nút" sản xuất và vận chuyển dầu quan trọng khác cũng nằm ở khu vực địa chính trị khó lường này, làm gia tăng sự bất ổn về nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.