Thép tồn kho tăng mạnh – sức ép giảm giá?

05:08, 28/04/2008

Theo Thông tin thương mại, do thị trường bất động sản suy giảm, một số nơi rơi vào tình trạng đóng băng; Đặc biệt do giá các loại vật liệu xây dựng đã tăng quá mạnh, nhu cầu xây dựng chững lại hoặc giảm nên tiêu thụ thép đang có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý I/2008, tiêu thụ thép của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ước đạt 960 ngàn tấn, tăng tới 35,6% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng trong thời gian này sản lượng thép cán của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đạt khoảng 940 ngàn tấn, tăng 41%.

Cùng với tiêu thụ và sản xuất thép tăng mạnh, lượng phôi thép nhập khẩu 3 tháng đầu năm nay cũng đã tăng rất mạnh, tăng tới gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007, đạt trên 1 triệu tấn, bằng 40% lượng phôi dự kiến nhập khẩu trong cả năm nay.

Như vậy, tính đến hết tháng 3/2008 lượng thép tồn kho của VSA là khoảng 100 ngàn tấn và lượng phôi thép tồn của cả nước ước khoảng trên 600 ngàn tấn. Nhưng do các nhà máy chỉ thống kê lượng thép tiêu thụ sau khi đã bán ra khỏi nhà máy, còn lượng thép tiêu thụ thực tế có thể thấp hơn nhiều do một lượng khá lớn trong 960 ngàn tấn thép tiêu thụ trong quý I/2008 có thể vẫn nằm trong kho của các đại lý phân phối thép với mục đích găm hàng, đợi giá tăng thêm nữa. Do vậy, lượng thép thành phẩm tồn kho thực tế có thể lớn hơn nhiều con số 100 ngàn tấn mà VSA công bố.

Trong khi lượng thép và phôi thép tồn kho tăng mạnh, tiêu thụ thép xây dựng lại có xu hướng giảm rõ rệt do tác động của thị trường bất động sản suy giảm, một số nơi rơi vào tình trạng đóng băng, giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch, cát, đá tăng mạnh.

Trước tình hình này, nhiều đại lý thép đã bắt đầu phải tung hàng ra bán đồng thời giảm giá bán để tiêu thụ hàng. Tuần qua (từ 14-18/4), giá bán lẻ thép xây dựng ở một số địa phương đã giảm khoảng 2.000-2.500 đ/kg so với cuối tháng 3/2008, xuống còn 17.500 đ/kg. Mặc dù giá thép giảm, nhưng đây vẫn là mức rất cao.

Do giá đã tăng quá cao, bất hợp lý, đặc biệt với việc giá phôi thép trên thị trường thế giới đã chững lại, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm, lượng thép và phôi thép tồn kho lớn nên sức ép giảm giá bán thép sẽ là rất lớn.