Một biểu hiện rất rõ của thị trường, là chịu tác động mạnh từ các yếu tố tâm lý xã hội. Trong khi đó…
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng giá gạo tăng cao đột biến, khiến người dân hết sức lo ngại. Tuy nhiên tình trạng này cũng chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 tuần. Đến thời điểm này, giá gạo tại nhiều điạ phương đã giảm, tuy chưa trở về mặt bằng cũ, nhưng có thể nói đã “cắt cơn” tâm lý. Vậy điều gì đã khiến giá gạo “tăng cao đột biến rồi lại đột ngột giảm” như thế? Bài học nào được rút ra từ hiện tượng “rất thị trường” này?
“Cơn sốt giá gạo” đến lúc này đã hạ nhiệt. Chỉ cách đây vài ngày, không ai có thể nói trước được điều gì đã xảy ra và sẽ tiếp tục diễn biến ra sao. Chỉ trong vòng 4 ngày, từ 24/4 đến 28/4 , giá gạo tại nhiều thị trường trong nước tăng đến chóng mặt. Có nơi tăng 40%, có địa phương tăng đến 60%. Cá biệt có những ngày, ở một số địa phương mỗi kg gạo tăng thêm từ 6 đến 8000 đồng. Đây là điều chưa từng có từ trước đến nay.
Tâm lý lo sợ thiếu gạo ăn lên đến đỉnh điểm hôm 26/4, khi đài truyền hình phát đi hình ảnh người dân Mỹ đổ xô đi mua vét gạo ở các siêu thị; còn trên một tờ báo có rất đông đọc giả thì in hình một siêu thị cỡ lớn ở Việt Nam đề biển: hết gạo bán” to tướng trên trang nhất. Thế là người dân đổ xô đi mua gạo để trữ. Giá gạo lên từng ngày, từng giờ. Tưởng như cơn sốt giá gạo sẽ hòa vào cơn “bão giá tiêu dùng” để tạo thành hiện tượng “bão chồng lên bão”. Nhưng, ngay hôm 27/4, Chính phủ công bố tình hình dự trữ lương thực trong nước ta vẫn ổn định; Cung- cầu thị trường lương thực vẫn cân bằng; Việc xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước; Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch với dự báo được mùa lớn… Cũng ngay hôm đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp điều tiết thị trường gạo. Lập tức hàng đoàn xe tải hạng nặng của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc rầm rập chở hàng vào phía
Vậy điều gì làm nên sự kỳ diệu đó? Chính là nhờ động thái rất kịp thời và quyết liệt của Chính phủ. Trước hết động thái này xuất phát từ nhận định chính xác rằng: giá gạo tăng là do yếu tố tâm lý. Bởi hơn lúc nào hết, tại thời điểm này chúng ta đang có dự trữ lương thực đủ để yên tâm không sợ thiếu, cả cho tiêu thụ trong nước, và cả cho xuất khẩu. Vậy thì không lý do gì một vài lời đồn đại lại có thể tạo ra cơn sốt giá kéo dài. Hơn thế, sản xuất nông nghiệp đang rất thuận lợi, dự báo mùa màng đều khả quan, không thể gây ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào đến thị trường lương thực. Vì vậy, những biện pháp của Chính phủ đã cho thấy hiệu quả tức thời. Chưa bao giờ Chính phủ hành động nhanh và hiệu quả như vậy. Một biểu hiện sinh động của điều tiết thị trường theo hướng “có sự quản lý của nhà nước”!
Thế còn vì sao yếu tố tâm lý lại đóng vai trò quyết định trong “cơn sốt kịch tính giá gạo” này? Đó là do một số báo chí chưa thận trọng khi thông tin về tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới cũng như tình trạng thiếu gạo cục bộ nhất thời ở một thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là các cơ quan báo chí ấy chỉ đưa tin mà thiếu phân tích, bình luận, định hướng, khiến người dân không hiểu rõ bản chất sự việc, nảy sinh tâm lý lo ngại và đua nhau tích trữ lương thực.
Rõ ràng, nếu đưa tin có trách nhiệm hơn, các tờ báo ấy phải phân tích khả năng ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm lương thực trên thế giới đối với nước ta là rất thấp. Vì thị trường lúa, gạo của nước ta không liên thông trực tiếp với thế giới, không chịu ảnh hưởng trực tiếp như giá dầu, giá vàng… Hơn nữa, nước ta là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo; cung cầu lương thực đang cân bằng thì khó có thể xảy ra khan hiếm lưong thực… Nếu làm như vậy, chắc chắn yếu tố tâm lý không bị “đẩy lên” đến đỉnh điểm như mấy ngày vừa qua.
Vậy là, qua sự kiện “ cơn sốt gạo”, chúng ta có thể thấy một biểu hiện rất rõ của thị trường, là chịu tác động mạnh từ các yếu tố tâm lý xã hội. Chính vì vậy, các cơ quan thông tin đại chúng cần đề cao trách nhiệm hơn khi thông tin bất cứ sự kiện hay hiện tượng nào đến công chúng.
Một bài học rút ra nữa là, nếu các cơ quan hữu quan, Bộ, ngành nắm chắc số liệu, nắm chắc tình hình, có thông tin dự báo tốt, thì sẽ có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trước những hiện tượng bất thường của thị trường. Và những biện pháp can thiệp kịp thời, đúng liều lượng sẽ tạo ra hiệu quả tích cực.
Đây cũng là bài học có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nữa trong kinh tế thị trường. Bởi càng ngày, thị trường nước ta sẽ càng vận hành với xu hướng linh hoạt và phản ứng nhạy bén hơn với thị trường thế giới. Điều đó cũng đòi hỏi Chính phủ, các ban ngành phải nhạy bén và quyết liệt hơn. Và hơn bao giờ hết, thông tin thị trường đang chứng tỏ sức mạnh tác động của nó, đòi hỏi các phương tiện thông tin đại chúng phải cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn./.