''Hình ảnh Trung Quốc là một nhà máy lớn của thế giới đang xa dần'', chuyên gia của Credit Suisse nhận định.
Đối phó với việc chi phí nhân công tăng và đồng nhân dân tệ (NDT) lên giá, ông Kang, 45 tuổi đã phải tính đến việc chuyển từ TP Nam Kinh, gần bờ biển phía Nam Trung Quốc vào sâu trong nội địa để được hưởng lợi từ một chương trình thu hút doanh nghiệp đến các tỉnh nghèo của chính phủ. Cuối cùng, ông đã quyết định chuyển 40% hoạt động sản xuất đến một nhà máy mới tại thành phố cảng Hải phòng, Việt Nam.
Kang nói :”Công nhân các tỉnh nội địa ở Trung Quốc ít kinh nghiệm, và chi phí vận chuyển ra cảng lại cao. Nếu chúng tôi không đáp ứng được mức giá khách hàng cần, họ sẽ chẳng ngại nói “bye” với Ever-Glory”.
Hàng ngàn các công ty khác cũng gần đi tới một nhận định tương tự. Với chiến dịch thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ của Việt Nam, Ấn Độ và một số nước châu Á khác, một phần ba các nhà máy ở Quảng Đông - nơi chiếm 30% xuất khẩu của Trung Quốc - sẽ đóng cửa trong 3 năm tới, theo nhận định của Tao Dong, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Credit Suisse.
“Đã bắt đầu chấm dứt kỷ nguyên Trung Quốc là công xưởng của toàn thế giới”.
Tiến ra nước ngoài
Việc đóng cửa các nhà máy và chuyển hướng ra nước ngoài có thể không làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới này, nhất là khi Trung Quốc đang chuyển dần sang lĩnh vực sản xuất hàng hoá giá trị cao như chíp máy tính, thiết bị điện tử, điện thoại di động.
Tại Trung Quốc, khoảng cách đang ngày càng tăng giữa người dân sống ở vùng duyên hải trù phú và hơn 700 triệu dân ở các tỉnh sâu trong đất liền - hơn nửa dân số Trung Quốc - những người tự thấy mình đứng ngoài câu chuyện thành công của đất nước.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc chú trọng mô hình phát triển về phía Tây.
Nhóm sản phẩm sử dụng công nghệ cao của Trung Quốc đã tăng 412% kể từ năm 2002 lên mức 347,8 tỷ nhân dân tệ (47,6 tỷ USD) năm ngoái, hay 28,5% tổng giá trị xuất khẩu. Nền kinh tế được dự đoán tăng 10% năm nay và 9,5% trong năm 2009, theo khảo sát 21 nhà kinh tế của hãng Bloomberg.
Nhân công rẻ
Tăng trưởng hiện đang tập trung chủ yếu ở 4 tỉnh duyên hải phía đông nam Trung Quốc: Quảng Đông, Giang Tô, Phúc Kiến và Triết Giang. Các nhà sản xuất quần áo, giày dép và đồ chơi đã châm ngòi cho sự bùng nổ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi nhân công rẻ, gần các cảng biển lớn và đặc biệt là những khu kinh tế được miễn thuế nhập khẩu và nhiều ưu đãi thuế khác.
Trung Quốc đã thu hút hơn 65% trong tổng số 792 tỷ USD đầu tư vào 21 nước châu Á trong năm năm qua, theo thống kê của Ngân hàng phát triển (ADB). Chính điều này đã khiến ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore nhận xét hồi năm 2002 rằng “Trung Quốc hút đầu tư nước ngoài như một chiếc máy hút bụi”
Khoảng 90% tổng số tiền đầu tư rót vào các vùng gần biển phía đông nam, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc.
Những vùng nghèo nhất
Tuy vậy, phần còn lại của Trung Quốc không được chia sẻ nhiều sự thịnh vượng này. Thu nhập ở các vùng nghèo nhất phía Tây Trung Quốc bằng một phần mười các vùng giàu nhất ở miền biển phía đông. Thu nhập hàng tháng của người dân thành phố Cam Túc phía tây bắc là 1.437 NDT.
Để khuyến khích đầu tư và thu hẹp khoảng cách, chính phủ đã thông qua một chính sách “Về miền Tây” năm 2000. Đến năm 2005, chính phủ đã chi 1.000 tỷ NDT để đầu tư cho 70 công trình hạ tầng quan trọng, bao gồm một tuyến xe lửa 1.140 km đến Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Đến giữa năm 2006, chính phủ chi thêm 168 tỷ NDT vào các sân bay địa phương, nhà máy thuỷ điện và nhiều dự án khác.
Nhưng dù với những chính sách trên, tình trạng thiếu điện, đường bộ xuống cấp, đường sắt quá tải đã khiến hiệu quả sản xuất năm 2004 tại Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam giảm 9,5%, theo đánh giá của World Bank. Tình trạng tương tự chỉ khiến hiệu quả sản xuất của Thượng Hải, thành phố bên bờ biển Thái Bình Dương trong cùng kỳ giảm 2,3%.
Rời rạc và thiếu hiệu quả
Theo đánh giá của đại diện World Bank tại Trung Quốc, ngành giao thông vận tải tại đây vẫn manh mún và kém hiệu quả. Việc kết hợp hiệu quả hơn các tuyến đường sắt, đường thuỷ và đường bộ sẽ giảm đáng kể chi phí và tăng tính cạnh tranh cho các tỉnh nội địa.
Một bất lợi nữa là: chi phí cho việc xây dựng một cơ sở sản xuất tại các tỉnh tây nam cao gần gấp 3 lần so với các tỉnh miền biển đông nam. Việc đồng NDT tăng giá 4,45% so với USD trong 4 tháng đầu năm 2008 cũng xói mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp bởi hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc được định giá bằng USD. Đồng NDT đã tăng giá 7% trong năm 2007.
Thu hút đầu tư giảm
Năm ngoái các công ty nước ngoài thông báo dự định đầu tư 11,6 tỷ USD vào khu vực miền trung và tây Trung Quốc, tăng 30% từ mức 8,9 tỷ USD năm 2003, theo số liệu của FDI Intelligence. Con số này thấp hơn mức đầu tư nước ngoài dự kiến vào Việt Nam, ước tính 40,1 tỷ USD trong năm 2007, tăng 354% so với năm 2003.
Việt Nam và Ấn Độ đang ngày càng hấp dẫn hơn đối với các ngành sản xuất chi phí thấp. Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers năm ngoái đã xếp Việt Nam là địa điểm đầu tư sản xuất hấp dẫn nhất trong số 20 nền kinh tế mới nổi của thế giới. Trung Quốc xếp vị trí thứ hai.
Công nhân Việt Nam thu nhập bình quân mỗi tháng 1,669 triệu đồng (104 USD), thấp hơn 41% so với mức lương công nhân thấp nhất ở trung tâm tỉnh Giang Tây, theo số liệu của World Bank.
Mức lương tại Ấn Độ còn thấp hơn ở VN, bình quâng 3.843 rupee (87 USD) mỗi tháng, theo CEIC. Ấn Độ cũng có gần 400 khu kinh tế đặc biệt y hệt như Trung Quốc, với chi phí thuê đất thấp, miễn giảm thuế 5 - 10 năm và miễn thuế nhập khẩu.
"Hình ảnh Trung Quốc là một nhà máy lớn của thế giới đang xa dần", chuyên gia của Credit Suisse nhận định.