Sau những đợt tăng phi mã của giá cả khiến Chính phủ phải kêu gọi người dân tiết kiệm chi tiêu, kiềm chế lạm phát, rồi một loạt những biện pháp mạnh, đồng bộ mà Chính phủ đưa ra trong thời gian vừa qua bắt đầu thấy hiệu lực. Bằng chứng là chỉ số tiêu dùng trong tháng 4 đã giảm hẳn so với 2-3 tháng trước đó.
Giảm rõ rệt trong nhóm hàng thực phẩm phải kể đến rau, củ quả. Nếu như vài tháng trước đây, người tiêu dùng phải lên tiếng kêu vì giá rau quá đắt, thậm chí có loại rau lên đến 15.000 - 20.000 đ/bó song cũng không có để mua. Nhưng, hiện nay, giá rau đã giảm rõ rệt.
Dao động chỉ ở mức 3.000 - 5.000 đ/bó. Một số mặt hàng khác không giảm nhưng cũng đã chững lại, ổn định. Thịt lợn, mặc dù đang ở trong tình trạng dịch “tai xanh” tại hầu hết các tỉnh chăn nuôi lớn, nhưng giá thịt lợn không có sự biến chuyển lớn, dao động từ 60.000 - 80.000 đ/kg, tùy theo từng loại.
Giá thịt gà, cá cũng giữ mức ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với tháng 2, tháng 3. Còn đối với nhóm hàng khô: dầu ăn, gia vị... có loại giảm nhẹ: dầu ăn ở mức 35.000 đ/lít, có loại giữ nguyên giá hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Người tiêu dùng sau một thời gian đối mặt với nỗi lo tăng giá mỗi ngày đi chợ thì nay cũng thấy nhẹ nhàng hơn, gánh nặng như được trút đi phần nào.
Chị Đào Thanh Huệ ở Nghĩa Tân - Cầu Giấy cho biết: “Thời gian gần đây đúng là thấy giá tiêu dùng có chững lại đôi chút, tất cả các mặt hàng không tăng chóng mặt như mấy tháng trước, có mặt hàng tăng nhẹ, có mặt hàng giảm. Hơn nữa, sau một thời gian giá cả cứ tăng vùn vụt như vậy, nay thấy chững lại đôi chút cũng dễ chịu hẳn. Nhưng, chỉ sợ được một thời gian ngắn rồi nó lại tăng tiếp như đợt trước thì nguy.
Chị Trần Thị Lan ở Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân băn khoăn: “Giá cả không còn tăng chóng mặt như đợt Tết ra, có phần chững lại, có mặt hàng giảm nhẹ hoặc cũng có tăng nhưng tăng không đáng kể so với trước đó. Nhưng liệu giá còn giảm xuống được nữa không nhỉ? Tôi hy vọng Nhà nước có nhiều biện pháp hơn để cho giá cả giảm, chứ như thế này, so với mức lương vẫn phải tằn tiện chi tiêu mới đủ”.
Chỉ số giá tiêu dùng chững lại, điều này có thể báo hiệu một sự bình ổn về giá cả ở những tháng tiếp theo. Người tiêu dùng có quyền hy vọng nhưng cũng mới chỉ là bước đầu bình ổn, không khỏi tránh được tâm lý lo sợ một đợt tăng giá mới. Bà Phạm Thị Hòa ở Lạc Long Quân - Tây Hồ lo lắng: “Tôi không hy vọng giá cả có thể giảm xuống nữa, cứ giữ như bây giờ cũng là tốt lắm rồi. Chỉ lo, chững được một thời gian nó lại tăng “vọt” lên mới sợ”.