Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại ở Định Hóa

04:03, 02/05/2008

Tổng giá trị sản xuất ước đạt 4 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 160 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu 500 nghìn đồng/người/tháng... đó là kết quả của 40 mô hình kinh tế trang trại đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại của huyện Định Hoá.

Đồng chí Lường Văn Vượng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Định Hoá cho biết: Mô hình kinh tế trang trại được triển khai ở huyện Định Hoá từ năm 2000. Ban đầu, cả huyện chỉ có 20 mô hình trang trại. Các mô hình này chủ yếu là trồng chè, cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò với quy mô nhỏ. Để hỗ trợ cho các mô hình trạng trại này hoạt động có hiệu quả, ngoài việc liên kết với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện cho các chủ hộ được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, mặt bằng, vay vốn. Được tập huấn chuyển giao KHKT tại địa phương. Phòng NN&PTNT và Trạm Khuyến nông huyện Định Hoá còn chủ động phối hợp với các chủ hộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình trang trại ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và tỉnh Hà Tây.

Sau 8 năm triển khai xây dựng mô hình kinh tế trang trại, huyện Định Hoá đã có 40/53 trang trại đủ tiêu chí quy định với tổng giá trị sản xuất ước đạt 4 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho trên 160 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 500.000- 1.500000 đồng/người/tháng. Do nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất khoa học, tự dựa vào sức mình là chính nên nhiều trang trại có doanh thu đạt từ 100- 400 triệu đồng/năm như : Trang trại chăn nuôi của Phạm Minh Lộc (xã Bộc Nhiêu), Nguyễn Văn Lượng (thị trấn Chợ Chu), Ma Thị Lan (xã Bảo Cường), Triệu Văn Bẩy (xã Bảo Linh), Phạm Văn Mộc (xã Bộc Nhiêu); trang trại tổng hợp của Lưu Đức Chiểu (xã Quy Kỳ), Phan Văn Suất (xã Phúc Chu), Hoàng Đình Thi (xã Đồng Thịnh)... Qua đánh giá cho thấy, hiệu quả kinh tế chủ yếu tập trung vào các trang trại chăn nuôi (lợn, trâu, bò, gà, vịt) bởi đầu ra của sản phẩm chăn nuôi thuận lợi hơn, giá thành ổn định, quy mô nhỏ. Còn đối với mô hình lâm nghiệp và cây ăn quả giá trị kinh tế thấp chỉ đạt từ 5- 30 triệu đồng/ năm do quy mô lớn, thời gian thu hoạch dài... Chúng tôi đã đến thăm quan mô hình trang trại chăn nuôi của chị Ma Thị Lan, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, một trong những hộ có thu nhập cao từ nuôi lợn. Năm 1998, chị Lan chỉ nuôi 20 con lợn, đến nay chị nuôi tới 70- 85 con lợn, mỗi năm xuất chuồng 15 tấn lợn hơi, trừ chi phí cho thu nhập 160 triệu đồng/năm. Khi nói về kinh nghiệm chăn nuôi lợn của gia đình, chị Lan cho biết: Trước đây, gia đình chăn nuôi dựa theo tập quán cũ, chuồng trại tạm bợ, không được tập huấn, hướng dẫn KHKT trong chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế thấp. Có lứa, không hiểu sao 85 con lợn tự nhiên không ăn, con chết, con ngắc ngoải, thiệt hại 15 triệu đồng. Từ năm 2000, khi UBND huyện có chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ gia đình bằng mô hình trang trại, gia đình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng ở Ngân hàng NN&PTNT huyện để xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn phục vụ cho chăn nuôi với quy mô trang trại. Ngoài tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi lợn do Phòng NN&PTNT huyện tổ chức, dành thời gian tìm hiểu kiến thức chăn nuôi trong sách, báo, trên đài, truyền hình và cả trên mạng Intenet. Chị còn tự đi thực tế ở một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài huyện để học hỏi kinh nghiệm... Nhờ đó, những năm gần đây, đàn lợn của gia đình chị không sảy ra dịch bệnh, có đầu mối tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, phát triển kinh tế từ mô hình trang trại ở huyện Định Hoá vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Hầu hết các chủ trang trại xuất phát từ nông dân, chưa qua các lớp đào tạo nên kiến thức sản xuất, quản lý, tiếp cận KHKT và thị trường còn hạn chế; các trang trại sau khi hình thành thường hoạt động độc lập nên rất khó trong việc phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa cao; môi trường sinh thái chưa đạt yêu cầu vệ sinh; một số trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thiếu quỹ đất để mở rộng trang trại…

Với mục tiêu phát triển thêm 10 trang trại trong năm 2008, nâng tổng số trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí lên 50 trang trại. Mở rộng quy mô sản xuất của 40 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trong năm 2007. Khai thác có hiệu quả những tiềm năng của địa phương. Để thay đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp sang phương thức sản xuất hàng hoá của người nông dân, nâng cao mức thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động tại địa phương... huyện Định Hoá đã đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, kiến thức quản lý kinh tế, cách tiếp cận thị trường; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; thành lập CLB trang trại để các chủ hộ trang trại có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; quản lý giá, chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, rà soát quỹ đất để mở rộng thêm trang trại và tiếp tục miễn giảm thuế thu nhập cho các trang trại…