Người gửi tiết kiệm đang hưởng lãi suất thực âm

08:06, 14/05/2008

Với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 6 tháng là 12%, các chuyên gia kinh tế cho rằng người gửi đã không còn thực lời do tốc độ trượt giá quá nhanh; trong khi khách nhà băng vẫn thấy hấp dẫn vì lãi cao nhất trong vòng 5 năm nay.

Hiện các ngân hàng tại TP HCM đã đồng loạt áp dụng mức lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là 12% một năm, dưới 6 tháng 11,5% một năm. Không còn phân các mức kỳ hạn khác nhau như trước nữa, thậm chí để thu hút khách hàng, các nhà băng sử dụng thêm các chiêu thức khuyến mãi khác tăng thêm tính hấp dẫn.

 

Với 20 triệu đồng định gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Phương Đông, anh Nhân, một khách hàng cho biết, trước đây lãi suất chỉ 6-7%, rồi tăng lên 9-10%, bây giờ là 12% một năm. Tính ra mức lợi nhuận khá hấp dẫn so với trước cũng như an toàn hơn đầu tư vào bất kỳ kênh nào hiện nay, rủi ro lại không có.

 

Anh dự định gửi tiết kiệm linh hoạt để có thể rút ra bất kỳ lúc nào mà lãi suất vẫn hơn gửi không kỳ hạn. Anh nói: "Đồng tiền của người gửi do vậy vừa an toàn, vừa sinh lời mỗi tháng, lại giúp ngân hàng có thể huy động vốn, vẹn cả đôi đường".

 

Bà Nguyễn Thị Lý ở quận Bình Thạnh, cán bộ hưu trí, cũng cho biết, so với trước thì lãi suất ngân hàng hiện nay rất hấp dẫn người gửi. Bà vừa mở một sổ tiết kiệm 50 triệu đồng ở Techcombank, kỳ hạn 2 tháng nhưng vẫn được hưởng lãi 11,5%; trong khi nếu như trước kia mức lãi suất được tính không kỳ hạn. 

 

Trong khi đó, anh Võ Thành Tú, gửi tiền tại Techcombank làm phép tính, so với cuối năm ngoái, lạm phát 4 tháng đầu năm nay là 11,6%. Còn trần lãi suất gửi tiết kiệm 12%, người gửi vẫn còn lãi 0,04%. Còn chị Hoa khách hàng của nhà băng Nam Á thì tiếc: "Nếu không vì cần tiền mua xe máy, tôi đã không rút tiền ra". Chị cho rằng, mức lãi suất 12% một năm cao hơn nhiều so với trước.

 

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất hiện tại áp dụng cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở ngân hàng đến thời điểm này đã thực âm so với lạm phát.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lãi suất tiền gửi tính cho cả năm thì phải lấy chỉ số lạm phát của cả một năm để so sánh. Ví dụ so với tháng 4 năm trước, lạm phát tháng 4 năm nay đã ở mức 19%, cao hơn 7% so với lãi suất hiện tại của nhà băng. "Người gửi đang hưởng lãi suất thực âm", ông khẳng định.

 

Một chuyên gia kinh tế khác phân tích, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh từng đợt không bắt kịp tốc độ trượt giá liên tục của đồng tiền.

 

Theo ông, người gửi chỉ được hưởng mức lãi suất dương trong tháng tư khi chỉ số giá tiêu dùng còn mức thấp, hiện tại lãi trần 12% cũng đã bị âm so với tỷ lệ lạm phát bởi tốc độ trượt giá đã đi trước chính sách điều chỉnh lãi tiền gửi. Vị chuyên gia này kiến nghị nên để thị trường tự do quyết định lãi suất thay vì áp dụng trần như hiện nay.

 

Giáo sư đại học Hawaii Hà Tôn Vinh, một chuyên gia về hội nhập kinh tế, cũng nhận định mức lãi suất tiền gửi 12% hiện nay là cao nhưng so với lạm phát thì đã âm. Ông Vinh khuyên người dân nên gửi ngắn hạn trong thời điểm này vì không biết sẽ còn những biến động gì. Khi nền kinh tế ổn định, lúc ấy nên gửi ngân hàng kỳ hạn lâu dài.

 

Dù nhận định lãi tiết kiệm hiện nay đã không thực lời cho người gửi, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, nếu không gửi ngân hàng, người dân thậm chí không hưởng được mức lãi suất âm đó nữa. Trong khi đó đồng tiền giữ bên mình nhanh chóng mất giá mà không có khả năng sinh lời thêm đồng nào.