“Lương cơ bản chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, trong khi tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện thoại, tiền xăng xe... đã lên tới vài triệu đồng thì sống làm sao nổi. Cứ đà này thì trước sau gì tôi cũng phải chuyển nơi làm việc thôi”, anh Việt Hà, ở quận Cầu Giấy thở dài.
Đời sống quá khó khăn
- Mỗi tháng anh đều bị “siêu lạm phát” thì lấy gì để bù?
- Nói ra thật xấu hổ. Mang tiếng là có công ăn việc làm ổn định nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải ngửa tay xin tiền của bố mẹ ở quê đấy...
Anh Hà quê ở Hải Dương. Tốt nghiệp trường ĐH Mỏ - Địa chất với tấm bằng loại khá, anh được nhận vào làm việc ở một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học công nghệ. Ngày anh báo tin đã xin được việc làm, mẹ anh ở quê mừng như bắt được vàng. Mỗi lần đi chơi, gặp gỡ bạn bè là bà lại khoe con mình đang làm trong... cơ quan Nhà nước.
Nhưng bà có biết đâu được rằng, để có thể trụ lại được giữa chốn đô thị phồn hoa , ngoài đồng lương viên chức, anh Hà đã phải đi làm gia sư, dịch thuật cho một số nhà xuất bản. “Cứ nghĩ làm việc trong cơ quan Nhà nước, thu nhập sẽ ổn định lâu dài và chắc chắn, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn so với làm việc ở bên ngoài. Nào ngờ, với mức lương cơ bản như bây giờ thì làm sao có thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Sau này lập gia đình, sinh con thì tôi chẳng biết sẽ trang trải cuộc sống thế nào”, anh Hà buồn rầu.
Chí ít với năng lực trình độ, cộng với thời gian rảnh rỗi vào buổi tối, anh Hà còn có thể đi làm thêm để tăng thu nhập, chứ với những người công nhân như chị Nguyễn Thị Quyên thì ngoài tiền lương, tiền tăng ca ra chẳng còn có một khoản nào khác để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chị Quyên, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, làm việc cho một công ty da giày ở Hà Nội. Hằng tháng, lương và tiền tăng ca có hơn triệu đồng, phải hết sức dành dụm, chắt chiu, chị mới sống nổi qua ngày. Lương thấp nên chị chẳng bao giờ nghĩ tới hay có khái niệm ngồi quán nhâm nhi tách cà phê hay đi xem phim, nghe ca nhạc, nghỉ mát... Chị tâm sự: “Mình đi làm công nhân đã gần ba năm rồi nhưng chẳng dành dụm được gì vì lương quá bèo bọt. Gần đây, giá cả tăng chóng mặt, cuộc sống lại càng thêm khốn khó, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau”. Để đảm bảo cuộc sống, chưa đầy hai năm, chị Quyên đã phải thay đổi chỗ làm việc đến bốn lần. Lần nào chị cũng khấp khởi hy vọng, để rồi lại thất vọng vì chỗ làm mới vẫn chẳng khá hơn so với chỗ làm cũ là mấy.
Bao giờ hết lo lương không đủ sống ?
Chuyện trò với anh Hà và chị Quyên, tôi lại nhớ tới những vụ đình công xảy ra cách đây không lâu trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội) và thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng). Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ vấn đề tiền lương quá thấp. Ở Đồ Sơn, một công nhân có thâm niên 9 năm làm việc trong một công ty chuyên gia công giày cho nước ngoài chỉ nhận được 700 nghìn đồng/tháng (chưa tính tiền làm thêm). Còn ở huyện Từ Liêm, lương của những công nhân làm việc cho một công ty chuyên sản xuất phụ tùng xe máy chỉ từ 500 đến 600 nghìn đồng/tháng, vậy mà thỉnh thoảng còn bị cắt giảm. Không thể chịu nổi mức lương quá thấp này nên các công nhân đã đình công... Cho dù đến nay, những vụ việc này đã được thu xếp ổn thỏa, Ban giám đốc đã đồng ý tăng lương và công nhân đã đi làm trở lại nhưng cũng để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về vấn đề tiền lương, cũng như việc đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho người lao động.
Nói đến chuyện tiền lương, có thể thấy, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần cải cách tiền lương nhằm nâng cao mức sống của cán bộ, công nhân viên chức. Tuy nhiên, có một thực tế là mức lương sau mỗi lần điều chỉnh đều không theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường. Bởi thế cho nên những người làm công ăn lương trong các cơ quan Nhà nước luôn phải chịu cảnh thiệt thòi.
Nói như anh Hà với mức lương cơ bản hiện nay, nếu không có khoản “lậu”, người lao động chỉ có nước... đi ăn mày. “Đã là con người, ai cũng muốn làm người tốt, sống tốt, sống có ích. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, cái ăn, cái mặc không được đảm bảo thì bắt buộc người ta phải tư duy khác, phải nghĩ đến “khoản lậu”. Mà nghĩ nhiều đến khoản này, người ta dễ biến chất, tha hóa lắm...”, anh Hà bộc bạch.
Còn nhớ, trong một diễn đàn về cải cách tiền lương, một chuyên gia trong ngành Tài chính cho rằng, nước ta đang luẩn quẩn với vấn đề lương bổng. Nói là cải cách tiền lương nhưng không có đột phá trong khi đồng tiền mất giá, giá cả gia tăng. Tăng lương của chúng ta thực chất chỉ là tăng số đếm chứ chưa phải tăng chất của lương. Lương không đảm bảo sẽ xuất hiện hai xu hướng: có những người làm ít cho Nhà nước, dành thời gian đi làm thêm ngoài để có thu nhập; có những người đảm bảo kinh tế rồi thì làm lớt phớt.
Một số khác thì sẵn sàng từ bỏ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân với mức thu nhập cao hơn, lại có điều kiện, khả năng để phát huy trí tuệ, sáng tạo. Dù là xu hướng nào đi nữa, cũng để lại nhiều hệ lụy. Công chức, viên chức giỏi ra đi thì Nhà nước thiệt, nhân dân thiệt.