Căng thẳng nguồn lao động dệt may

15:27, 23/06/2008

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu lao động trên cả nước đang làm việc trong lĩnh vực dệt may.

Theo kế hoạch, đến năm 2010, khi kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 8-9 triệu USD, thì nhu cầu lao động sẽ tăng lên trên 3,5 triệu người.

 

Thế nhưng, tình trạng khan hiếm lao động, cũng như chất lượng lao động đang là những chướng ngại vật khó vượt qua đối với ngành kinh tế này. Từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực dệt may đã diễn ra với mức độ ngày càng gay gắt. Hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may phía Nam thường xuyên thiếu từ 20-40% lao động.

 

Từ chối đơn hàng vì thiếu lao động

 

Theo số liệu thống kê từ Mỹ, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm gần 10% trong những tháng đầu năm nay. Ngược lại, hàng xuất khẩu Việt Nam đã tăng mạnh lên 31% (giá trị) trong quý 1/2008.

 

Nhưng nỗi lo của nhiều doanh nghiệp dệt may là việc phải từ chối nhiều đơn hàng vì thiếu lao động. Công đoàn dệt may Việt Nam cho biết, ở các doanh nghiệp lớn tỷ lệ biến động lao động khoảng 15-20%; các doanh nghiệp nhỏ hơn là 20-30%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 40%.

 

Nếu doanh nghiệp có 5.000 - 6.000 công nhân, thì hàng năm trung bình khoảng 1.000 - 2.000 công nhân thường xuyên ra, vào. Việc lao động ngành may ngày càng “quay lưng” với doanh nghiệp không nằm ngoài lý do: thu nhập thấp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn có mức lương trung bình khoảng 2,3-2,7 triệu đồng/tháng.

 

Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lương thường dưới 1 triệu đồng/tháng. Để giữ lao động, các doanh nghiệp này có tăng thêm khoảng trên dưới 10% lương cho người lao động, nhưng xem ra cũng chẳng “thấm” vào đâu so với mức tăng giá. Vì vậy, cũng chẳng có tác động lớn để giữ chân người lao động.

 

Trong những ngày gần đây, tại sàn giao dịch việc làm Thủ Đức có khoảng 30 gian hàng tuyển dụng lao động, thì doanh nghiệp dệt may chiếm phân nửa, nhưng không khí tuyển dụng tại các gian hàng này khá ảm đạm.

 

Yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dệt may khá đơn giản, kèm theo những ưu đãi như công ty sẽ đào tạo nghề, ngoài lương còn có các chế độ thưởng, hỗ trợ nhà trọ, tiền xăng xe... nhưng số lượng lao động đến với ngành này không đáng kể.

 

Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm.

 

Quyết định nêu rõ, trước mắt ngành dệt may tập trung phát triển và nâng cao năng lực về nguồn nhân lực để tạo nên sản phẩm chất lượng cao, gắn với thương hiệu uy tín; bảo vệ môi trường.

 

Bên cạnh đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành dệt may phục vụ trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đạt mức tăng sản lượng hàng năm từ 16-18%, xuất khẩu tăng 20%/năm (giai đoạn 2008- 2010) và tăng sản lượng từ 12-14%, xuất khẩu tăng 15% (giai đoạn 2011-2020). Doanh thu toàn ngành đạt khoảng 14,8 tỷ USD năm 2010; 22,5 tỷ USD năm 2015; 31 tỷ USD năm 2020.

 

Tuy nhiên theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để thực hiện được chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay từ bây giờ ngành dệt may phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực.