Chuẩn bị vượt rào cản mới

09:35, 28/06/2008

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giày da VN cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ vì khả năng xảy ra một cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) mới của Ủy ban châu Âu (EC) đối với các loại giày da của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) là rất cao”. Đây là khuyến cáo của luật sư Fabrizio Di Gianni (Công ty Luật Van Bael và Bellis) tại buổi làm việc giữa Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), Hiệp hội Da giày VN và các DN da giày phía Nam, diễn ra tại TPHCM vào ngày 25-6.

Khó khăn dồn dập

Việc EU công bố, từ ngày 1-1-2009 chính thức loại giày da VN ra khỏi danh sách các nước được hưởng GSP (thuế quan ưu đãi dành cho những quốc gia nghèo), đã đặt các DN da giày VN vào tình thế khó khăn. Ngoài ra, ngành da giày VN cũng sẽ không tránh khỏi một cuộc điều tra CBPG mới, khi thời hạn áp thuế CBPG đối với giày mũ da VN (năm 2006) sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Theo nhận định của Cục Quản lý Cạnh tranh, 3 khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, các nhà sản xuất EU sẽ không yêu cầu rà soát để gia hạn thuế CBPG đối với các loại giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Thứ hai, có yêu cầu rà soát từ các nhà sản xuất EU nhưng không được EC chấp nhận. Thứ ba, có yêu cầu rà soát và được EC chấp nhận. Trong trường hợp này sẽ có 2 tình huống xảy ra: EC sẽ kéo dài việc áp thuế CBPG với các loại giày đã bị áp thuế; kéo dài việc áp thuế và thay đổi mức thuế (có thể tăng hoặc giảm so với mức áp thuế hiện nay).

Tuy nhiên, luật sư Fabrizio Di Gianni (Công ty Luật Van Bael và Bellis - đơn vị đồng hành cùng ngành da giày VN trong việc vận động hành lang, hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan đến xuất khẩu của da giày VN vào thị trường EU) cho biết, hiện nay, các nhà sản xuất ở EU đang thu thập tài liệu để “phản công” ngành da giày của VN, Trung Quốc.

Hiệp hội các nhà sản xuất giày của Ý (ANCI) không chỉ muốn kéo dài thời gian áp Thuế CBPG, mà còn muốn tăng tỷ lệ áp thuế CBPG lên cao hơn so với trước đây (hiện áp Thuế CBPG của VN là 10%, Trung Quốc là 16,5%). Hiện ANCI đã có đề nghị yêu cầu rà soát lên EC. Và như vậy, sẽ rất khó cho VN vận động EC từ chối điều tra, khi đã có kiến nghị từ nhà sản xuất.

Chính vì vậy, các DN giày da VN cần phải có sự chuẩn bị hồ sơ, sổ sách kiểm toán ngay từ bây giờ, vì nếu đợi đến tháng 10-2008 mới bắt đầu thì sẽ trở tay không kịp. Khi EC đã có công bố rà soát, các DN VN phải cung cấp toàn bộ các thông số yêu cầu từ tháng 10-2007 đến 9-2008. Và trong suốt 12-15 tháng tiến hành rà soát để xem liệu có xảy ra bán phá giá hay không (sau thời hạn bị áp thuế 10-2008), các DN VN vẫn bị áp thuế 10%.

Những việc cần làm

Tại buổi làm việc, luật sư Fabrizio Di Gianni lưu ý với các DN VN về 5 tiêu chí sử dụng để đánh giá DN có được hưởng qui chế kinh tế thị trường (MET) hay không. Trong đó, đặc biệt lưu ý các tiêu chuẩn 1,2,3 về sự can thiệp của Nhà nước, sổ sách kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chi phí sản xuất và tình hình tài chính phải minh bạch. Đây là những rào cản chính để EC xét cấp DN đủ điều kiện được hưởng MET.

Trong cuộc rà soát điều tra, EC sẽ gởi bảng câu hỏi để cho khoảng 80-90 DN trả lời. Qua bảng trả lời này, EC sẽ chọn lại 5-10 công ty để điều tra mẫu và các quan chức của EC sẽ đi kiểm tra thực tế những công ty này.

EC thường lựa chọn các DN có kim ngạch xuất khẩu lớn để kiểm tra. Nếu chứng minh được việc đủ điều kiện đạt MET, DN có thể yêu cầu giảm mức thuế, có thể giảm xuống còn 0%. Để chứng minh được điều này rất khó, vì trên thực tế, sổ sách kế toán của các DN VN tuân theo tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế, nhưng lại bị áp theo tiêu chuẩn của EU.

Vấn đề lựa chọn quốc gia tham chiếu được nhiều DN quan tâm và đây cũng là một khó khăn đối với ngành da giày VN. Trong cuộc điều tra CBPG trước đây, EC đã chọn Brasil để tham chiếu. Thực tế, khi đem so sánh ngành công nghiệp da giày của VN với Brasil thì rõ ràng có sự khập khiễng, vì Brasil phát triển hơn VN. Để yêu cầu thay đổi nước tham chiếu bằng các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh… VN phải có chứng cứ thuyết phục với EC.

Việc áp thuế CBPG đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng ở 27 nước thành viên EU. Nếu không làm tốt, các DN VN vẫn có nguy cơ đối mặt với cuộc điều tra CBPG mới từ EC.