Giá thép ổn định tới cuối tháng 7/2008

08:32, 03/06/2008

 - Giá thép sẽ bình ổn từ nay tới hết tháng 7/2008, đó là khẳng định của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Hiện nay thép đang tiêu thụ rất chậm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép, tháng 5/2008 lượng thép bán ra của các DN thành viên đạt 265.000 tấn, tăng hơn tháng 4 khoảng 10.000 tấn và vẫn thấp hơn nhiều so với mức 340.000 tấn của tháng 3/2008.

 

Thép tiêu thụ chậm vì đã bắt đầu vào mùa mưa, xây dựng giảm. Bên cạnh đó, nhiều công trình do khó khăn về vốn đã phải tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thi công nên nhu cầu về thép giảm mạnh. Trong khi đó lượng phôi thép và thép các DN dự trữ vẫn lớn, đủ đáp ứng nhu cầu cho tới tháng 8/2008.Vì vậy thép khó có khả năng tăng giá.

 

Hiệp hội Thép phủ nhận điều này. Ông Cường cho biết, tồn dư thép thành phẩm trong toàn Hiệp hội Thép tính tới thời điểm hết tháng 4/2008 gần 200.000 tấn. Cộng với lượng phôi đã nhập về của các công ty sản xuất dự trữ trên 400.000 tấn. Như vậy, mối quan tâm nhất của thị trường là có thể thiếu thép sẽ không thể xảy ra. So với cùng kỳ 2007, cả sản xuất và tiêu thụ thép đều tăng khoảng 15,49%. Hiện giá thép các DN bán ra vẫn đứng ở mức 16 triệu đồng/tấn đã có VAT, giá này sẽ còn ổn định lâu dài.

 

Còn phôi thép xuất khẩu, cũng theo Hiệp hội Thép (trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan) cho biết, trong tháng 5/2008, lượng phôi xuất khẩu đạt khoảng 20.000 tấn. Với số lượng này chưa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như cung ứng thép trong nước.

 

Nhưng theo một số nguồn tin thì đó chỉ là lượng phôi thép thực xuất, còn các hợp đồng đã ký để xuất khẩu thì số lượng lớn hơn nhiều. Một số DN sản xuất thép như Thép Việt - Úc, Hoà Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 10.000 tấn. Bên cạnh đó, các công ty thương mại trước đây nhập nhiều phôi tích trữ, nay nhu cầu về phôi trong nước giảm mạnh nên đang tìm đường tái xuất. Các hợp đồng ký số lượng không lớn, mỗi lô chỉ khoảng 3.000-5.000 tấn nhưng có nhiều lô chuẩn bị tái xuất. Hiện nay các DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu thép với mức giá khoảng 1.000 USD/tấn. 

 

Một số DN cho biết, việc xuất khẩu thép là hoạt động kinh doanh bình thường bởi nhu cầu trong nước giảm mạnh, trong khi hầu hết vốn để nhập phôi hoặc thép đều vay từ ngân hàng, phải trả lãi. Phôi không tiêu thụ được trong khi ngân hàng thúc ép thanh toán thì xuất khẩu là lối thoát duy nhất trong tình hình hiện nay.

 

Trong khi đó nhu cầu về thép phế bắt đầu tăng. Các DN đã chấp nhận giá mua vào ở mức 620 USD/tấn. Theo tính toán với giá thép phế như trên và chi phí để sản xuất 1 tấn phôi từ 140 USD đến 250 USD/tấn thì các DN vẫn đang có lãi.