Giữ giá thuốc

14:35, 22/06/2008

 - Nhiều doanh nghiệp đề nghị Cục quản lý dược cho tăng giá thuốc, nhưng, Cục quản lý dược đã không đồng ý, nhiều thông tin cho rằng dù Cục quản lý dược có cố "giữ cương" thì tháng 7 giá thuốc vẫn tăng (?).

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thuốc, có thể sau tháng 6 khi lệnh cấm của Bộ Y tế hết hiệu lực, giá thuốc sẽ có những đợt tăng đột biến.

 

 Trên thực tế một số loại thuốc đã âm thầm tăng giá. Khảo sát giá thuốc tại một số trung tâm dược phẩm lớn của Hà Nội như Ngọc Khánh, Láng Hạ cho thấy, một số loại thuốc nhập ngoại vẫn đang tăng giá, như thuốc giảm đau Efferagan, kháng sinh Clamoxin... Không chỉ thuốc ngoại mà thuốc nội, thuốc liên doanh cũng tăng như thuốc cảm cúm Panadol từ 7.500 đồng/vỉ lên 8.600 đồng/vỉ, nhỏ mũi Otilin từ 3.000 đồng/lọ lên 4.500 đồng/lọ...

 

 Hiện phần lớn doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước dựa vào tới 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu và gần 50% thị trường thuốc của Việt Nam là thuốc nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu làm thuốc, xăng dầu... trên thế giới có nhiều biến động lớn. Các doanh nghiệp sản xuất thua lỗ, lợi nhuận thấp đang kêu trời.

 

Cục trưởng Cục Quản lý dược ông Trương Quốc Cường khẳng định, sau tháng 6 thị trường dược phẩm không biến động như tin đồn. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định và kiểm soát thị trường dược phẩm. Một trong những biện pháp đó là cho phép mở rộng đối tượng được tham gia và cơ chế sử dụng vốn dự trữ lưu thông quốc gia nhằm tăng hiệu của của công tác bình ổn thị trường thuốc.

 

Cũng nhằm đảm bảo thị trường thuốc không có sự biến động lớn, liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp với nhau. Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục cải tiến thủ tục cấp phép sản xuất, nhập khẩu thuốc theo hướng nhanh chóng, công khai minh bạch các quy trình cấp phép đẻ các đơn vị chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đảm bảo thuốc được cung ứng liên tục, không gây sốt giá. Ngoài ra, dự trữ thuốc trên cơ sơ cơ cáu bệnh tật của người Việt Nam.

 

Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuốc thành phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc...

 

Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường kiêm tra tình hình sản xuất kinh doanh thuốc nhằm chống đầu cơ, tích trữ, tạo khan hàng để đẩy giá thuốc lên cao... 

 

 

Cho rằng đã hết sức chịu đựng và phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam đã đề nghị Cục Quản lý dược cho phép tăng giá thuốc.

 

Nhằm ngăn chặn giá thuốc tăng, đầu tháng 4, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, yêu cầu chỉ đạo Sở Y tế từ nay đến 30/6 tạm ngừng xem xét đơn của các doanh nghiệp dược đóng trên địa bàn xin kê khai lại giá thuốc theo hướng tăng lên.

 

Cùng với động thái này, Cục Quản lý dược cũng gửi công văn đến các doanh nghiệp dược, yêu cầu không xin tăng giá thuốc cho đến hết tháng 6.

 

Để bình ổn thị trường thuốc Cục quản lý dược cũng đã thành lập 4 đoàn công tác tiến hành khảo sát, đánh giá công tác quản lý giá thuốc tại 4 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Cuộc khảo sát sẽ kết thúc vào ngày 21/6 tới. Mục đích của cuộc kiểm tra là đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, của bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2008 và dự báo tình hình giá thuốc sau 30/6.

 

Trong chiều 19/6, Liên ngành Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã có cuộc họp với 3 công ty dược tham gia kế hoạch dự trữ, lưu thông thuốc quốc gia một thông tin về thiếu thuốc tại các bệnh viện được đưa ra. Nguyên nhân của việc thiếu thuốc này cũng được xác định do trong tình hình chi phí của các yếu tố đầu vào tăng cao nên một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc trúng thầu từ chối cung cấp cho bệnh viện và chịu phạt hợp đồng.

 

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết mục tiêu lớn nhất của đề án dự trữ lưu thông là bình ổn thị trường dược phẩm và cung ứng đủ thuốc cho bệnh viện.

 

Ông Cường cũng thừa nhận, việc biến động giá trong thời gian vừa qua một phần do biến động giá nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc như Cephalexin Monohydrate compact; Amoxycillin Trihydrat compact; Ampicillin Trihydrate, Cefaclor, Paracetamol, Vitamin C...

 

Trước tình hình trên, Cục Quản lý dược sẽ cho phép sửa đổi, bổ sung danh mục hoạt chất tham gia Kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia theo hướngc danh mục tham gia dự trữ, lưu thông theo tên generic và mở rộng hoạt chất mà thời gian gần đây có biến động về giá, các hoạt chất được sử dụng nhiều tại cơ sở điều trị. Đồng thời, đề xuất dự trữ nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thuốc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường có biến động giá trong thời gian qua như Cephalexin Monohydrate compact; Amoxycillin Trihydrat compact; Ampicillin Trihydrate...