Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam không phá giá nội tệ và chưa cần IMF hỗ trợ

08:55, 06/06/2008

Ngày 5-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tiến sĩ David Frenandez, Kinh tế trưởng tập đoàn J.P Morgan Chase, chuyên gia phân tích hàng đầu  lĩnh vực Tài chính toàn cầu va trao đổi một số vấn đề mà giới đầu tư nước ngoài quan tâm tại Việt Nam như: kiểm soát vốn đầu tư; chính sách tỷ giá, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và việc gửi tiền của người dân.  

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không có kế hoạch phá giá đồng nội tệ. trên cơ sở cán cân thanh toán hiện tại và tình trạng kinh tế tổng thể hiện nay. Theo Thủ tướng, giá trị của VND sẽ được quyết định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường và mặc dù thị trường hiện đang chịu nhiều áp lực, nhưng cán cân thanh toán tổng thể của Việt nam vẫn có thặng dư khoảng 1 tỷ USD trong 05 tháng đầu năm 2008.

 

Hiện nay biên độ giao động tỷ giá do ngân hàng nhà nước công bố mới ở khoảng  ± 1%, thấp hơn mức dự kiến ± 2% cho năm 2008. Với thặng dư ngoại tệ đang có, Thủ tướng tin rằng, biên độ giao động tỷ giá USD/VND nên được điều chỉnh linh hoạt theo cả hai chiều, với biên độ và bước đi hợp lý. Trước mắt, có thể tiếp cận đến mức ± 2% như đã dự kiến. Chính phủ sẽ có những thông điệp rõ ràng hơn đến thị trường nhằm duy trì sự ổn định của VND.

 

Thủ tướng thừa nhận rằng, tỷ giá ngoại tệ tại thị trường chợ đen hiện nay không nằm trong biên độ tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề do mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong cán cân thanh toán tổng thể, mà là do những đồn đại, hoạt động đầu cơ và một phần là do hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại.

 

Tại thị trường nước ngoài, VND đang được dự đoán rằng sẽ phá giá ở mức 20% đến 40%, nhưng Thủ tướng cho rằng, dự đoán này không có cơ sở. Cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa thực hiện những biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ phi chính thức. Thủ tướng hiện đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan hướng dẫn, kiểm tra các cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên thị trường phi chính thức - những cửa hàng này không được pháp luật cho phép kinh doanh ngoại tệ - để ngăn chặn tình trạng đầu cơ ngoại tệ.

 

Các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua chưa được tiến hành một cách toàn diện và tới đây, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng cả về quy mô và cấp độ ở phạm vi rộng lớn hơn.

 

Với dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Nhà Nước hiện nay, Việt Nam hoàn toàn bảo đảm việc chuyển ngoại tệ một cách bình thường của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ sẽ sớm công bố cụ thể mức dự trữ ngoại tệ bằng USD. Từ trước tới nay, Ngân hàng Nhà Nước chỉ cung cấp thông tin này với các Tổ chức quốc tế như World Bank và IMF.

 

Đề củng cố lòng tin của nhân dân, Thủ tướng sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam nghiên cứu công bố rộng rãi mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thường xuyên và cụ thể . Thủ tướng biết rõ về việc Việt Nam hoàn toàn có khả năng sử dụng hạn mức ngoại tệ theo Sáng kiến Chiang Mai.  Tuy vậy Việt Nam chưa cần đến việc sử dụng hạn mức này.

 

Thủ tướng tin tưởng rằng, cán cân thanh toán sẽ thặng dư lớn trong tầm trung hạn.  Trên thực tế, trong suốt năm năm qua, mức thặng dư trở nên quá lớn và giúp tăng cường tính thanh khoản của nền kinh tế.  Nhìn về trung hạn, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng can thiệp một cách mạnh mẽ vào lúc này nếu điều đó là biện pháp cần thiết để củng cố niềm tin của thị trường vào khả năng ồn định giá trị VND.

 

 Để ổn định giá trị VND, có hai vấn đề then chốt:

 

 Thứ nhất, người dân cần được củng cố niềm tin về sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng. 

 

 Thứ hai, lãi suất tiền gửi VND cần phải hấp dẫn và Thủ tướng sẽ chỉ thị để cả hai vấn đề này đều được thực hiện sớm. Chính sách kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) sẽ không được sử dụng.

 

 Thủ tướng cho rằng kiểm soát vốn là không cần thiết và đi ngược lại cam kết hội nhập và cơ chế kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.

 

 Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm trong năm nay. Chỉ số tăng trưởng mới được điều chỉnh ở mức 7% dựa trên cơ sở cắt giảm chi phí công và giảm đầu tư vốn vào các công trình của nhà nước. Lạm phát đang ở mức quá cao và Thủ tướng cam kết giảm lạm phát. Mặc dầu vậy cắt giảm lạm phát mạnh ngay lập tức là không thể.  Lạm phát sẽ được hạ dần dần về mức một con số vào năm 2010, có thể phấn đấu sớm hơn.

 

 Trên thực tế, giá cả hàng hoá cơ bản trên thị trường quốc tế đang rất cao nên Chính phủ không thể tác động được gì nhiều.  Hiện tại, năm nay Việt Nam được mùa lớn và sản lượng lúa gạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.  Tuy nhiên, Thủ tướng không thể yêu cầu nông dân bán ở mức giá thấp nếu như mức giá như giá gạo xuất khẩu trên thị trường đang ở mức cao.

 

 Việt Nam chưa cần đến chương trình hỗ trợ kinh tế của IMF. 10 năm trước, khi còn đang giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng là người cho rằng Việt nam chưa cần đến sự hỗ trợ của IMF và điều này vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện nay.

 

Quá trình cải cách của Việt nam hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm tăng trưởng nhanh và cải thiện cuộc sống của người dân. Những vấn đề này bao gồm những cải cách trong hệ thống pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng kinh tế xã hội, khắc phục bất bình đẳng về thu nhập và chống tham nhũng. Thủ tướng cam kết mạnh mẽ về việc giải quyết các vấn đề này, song vấn đề trước mắt cần thực hiện là củng cố lòng tin của nhân dân vào VND.