Tìm tiếng nói chung cho lãi suất ngân hàng

08:16, 12/06/2008

Biến động lãi suất huy động VND đã gây xáo trộn nhất định trên thị trường ngân hàng. Các thành viên đã ngồi lại để cùng tìm tiếng nói chung.

Sau những phản ứng đầu tiên của ngày 11/6, ngày kế tiếp, 41 ngân hàng thương mại trong nước đã có các biểu lãi suất huy động VND mới.

 

Mốc 17%/năm nhanh chóng bị vượt qua, đến 18%/năm và hiện một số thành viên đã có đỉnh mới tới 18,5%/năm, tiêu biểu như của Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank).

 

Trước những mức lãi suất khác nhau, dòng tiền gửi trên thị trường đã có những xáo trộn nhất định. Ngoài hoạt động “đảo” hợp đồng, trường hợp rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp “chạy” sang điểm có mức cao hơn diễn ra. Tại một số ngân hàng cổ phần, nhân viên giao dịch trở nên bận rộn với phân tích thiệt hơn với người gửi tiền khi rút trước hạn, hoặc tránh khả năng vi phạm quy định hợp đồng…

 

Lãi suất huy động lên mức mới sẽ hút thêm những nguồn tiền đang nhàn rỗi trong dân cư, ngoài hệ thống về, nhưng cũng tạo một kiểu chạy vòng bất lợi giữa các ngân hàng thương mại.

 

Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ngày 12/6, kiểu vốn chạy vòng đó có trong lo ngại của những thành viên tham dự. Bởi dòng chảy này không tạo nguồn vốn mới mà làm nảy sinh thêm chi phí và gây bất lợi cho chính các ngân hàng, đặc biệt trong ổn định hoạt động và quản lý nguồn vốn.

 

Từ thực tế trên, một yêu cầu đặt ra tại cuộc họp trên là cần hạn chế sự “quá đà” có thể xẩy ra trong đợt biến động lãi suất này; các ngân hàng cần xác định những mức hợp lý nhất để vừa đảm bảo hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền nhưng cũng cần đảm bảo ổn định chung của hệ thống, cũng như chính sự an toàn của mình.

 

Với các mức lãi suất vượt trên 18%/năm, thậm chí hơn 19%/năm, khả năng thua lỗ được đặt ra.

 

Tuy nhiên, tiếng nói chung hay một mặt bằng chung cho lãi suất huy động VND thời điểm này rất khó định hình. Trong khối cổ phần, có những chênh lệch giữa các thành viên lên tới 1,5%/năm. Và khi một ngân hàng có thị phần lớn, sức cạnh tranh mạnh như Vietcombank áp 17,5%/năm thì nhiều ngân hàng cổ phần khác dự báo cũng sẽ “khó ở”.

 

Trao đổi với VnEconomy, đại diện một số ngân hàng cổ phần lớn cho rằng bản thân nguồn vốn khả dụng của họ hiện nay sung túc, dư thừa, nhu cầu tăng lãi suất cho mục đích gọi vốn không quá lớn, nhưng vẫn buộc phải điều chỉnh để giữ chân khách hàng, nhất là khi dòng vốn có tín hiệu chạy vòng.

 

Trong khi đó có lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng ngân hàng mình cần phải “sống” trước đã, và đến thời điểm nhất định thị trường sẽ có sự điều chỉnh hợp lý.

 

Cũng theo bà Hương, hiện nay thực hiện cơ chế lãi suất mới, đã có khung pháp lý và các ngân hàng thương mại đã biết mình hoạt động trong khung pháp lý nào. Theo đó, các thành viên tự xem xét và quyết định.

 

Và trước yêu cầu có một tiếng nói chung tương đối hiện nay, kết quả phục thuộc vào sự hợp tác của mỗi thành viên. Điểm đáng chú ý là trong đợt “sóng” mới này, có khá nhiều ngân hàng vẫn “nhấn nhá” quan sát những phản ứng chung đầu tiên rồi mới quyết định điều chỉnh trong ngày 12/6 (ngày thứ hai của đợt “sóng”) để có sự hợp lý cần thiết.

 

Một tín hiệu mới là sau khi đưa ra mức lãi suất đỉnh 19,2%/năm, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đã “rút” sự độc diễn về mức thấp hơn. Hiện mức cao nhất của ngân hàng này theo lãi suất bậc thang là 17,52%/năm.

 

Hiện tại, các ngân hàng thương mại đều đã áp biểu lãi suất huy động mới, phổ biến dưới 18%/năm; một số trường hợp trên 18%/năm do áp dụng các mức thưởng theo lượng tiền gửi.

 

Nhiều khả năng trong những ngày tới, lãi suất sẽ không có thêm những biến động mới; ngoài trừ khả năng các thành viên tìm được tiếng nói chung để đưa về khoảng 16% - 17%/năm mà đại diện VNBA đề cập tới. Và trong trường hợp khó khăn, VNBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ qua nghiệp vụ thị trường mở cũng như thực hiện tái cấp vốn như thông điệp trước đây.