Cho phép tăng giá thuốc nhưng khống chế tỷ lệ tăng giá

08:36, 11/07/2008

Trong cuộc họp tại Đà Nẵng chiều 11/7, Cục Quản lý dược thống nhất với các địa phương quan điểm cho phép tăng giá thuốc nhưng khống chế tỷ lệ tăng giá.

Chiều 11/7 tại Đà Nẵng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp triển khai công tác quản lý giá thuốc trên địa bàn miền Trung trong 6 tháng cuối năm 2008.

Theo Cục Quản lý dược, trong 6 tháng qua, mặt hàng dược phẩm ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương nên sự điều chỉnh của thị trường dược phẩm vẫn thấp hơn diễn biến chung của thị trường giá cả, không có tăng giá đột biến và đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Qua khảo sát tại Đà Nẵng là thị trường trọng điểm của khu vực, hiện giá các mặt hàng thuốc tân dược đã tăng từ 1–25%.

Giá thuốc nội trú cho các bệnh viện do đã được cung cấp qua đấu thầu nên không tăng trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, hiện tình trạng nợ đọng kéo dài giữa các bệnh viện với các đơn vị cung cấp thuốc đang gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp. Riêng tại Đà Nẵng, các bệnh viện đang nợ doanh nghiệp cung cấp thuốc 21 tỷ đồng (chưa kể tiền nợ các loại trang thiết bị y tế). Các bệnh viện ở Ninh Thuận cũng đang nợ 6-7 tỷ đồng…

Lãnh đạo công ty dược Daphaco cho hay, hiện các bệnh viện ở Đà Nẵng và một số nơi khác nợ tiền thuốc do công ty này cung ứng lên đến 36 tỷ đồng, mỗi ngày công ty phải trả lãi ngân hàng 21 triệu đồng. 6 tháng qua, công ty cung ứng thuốc cho các bệnh viện đạt giá trị 80 tỷ đồng. Nếu so với mức tăng chung 20% của thị trường thuốc thì việc cung ứng theo giá trúng thầu khiến công ty bị âm 16 tỷ đồng, nếu vẫn giữ nguyên tình trạng này đến hết năm 2008 thì mức lỗ sẽ lên gấp đôi. Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết đang lâm tình trạng tương tự với mức âm 15–20 tỷ đồng so với mức tăng chung của thị trường thuốc.

Nguyên nhân là do phía Bảo hiểm Xã hội chậm chi trả cho các bệnh viện để bệnh viện thanh toán cho đơn vị cung ứng thuốc.

Cục Quản lý dược đã triển khai và quán triệt kỹ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế trên quan điểm: Việc bình ổn giá thuốc trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành với sự tham mưu của các Sở Y tế.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường nhấn mạnh, việc điều hành giá thuốc tại các địa phương thực hiện theo 3 nguyên tắc: Đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh, giá cả phù hợp với mặt bằng chung và một điểm mới là phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc.

Trước đây, việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp này gần như bị bỏ qua bởi mục tiêu bình ổn giá thuốc trên thị trường. Nhưng trên thực tế, hiện giá thuốc đã tăng và nếu cứ buộc phải giữ đúng như giá đã trúng thầu mà không được điều chỉnh hợp lý theo Luật Đấu thầu thì sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để huỷ hợp đồng cung ứng thuốc, dẫn tới khan khiếm thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Do vậy, Cục Quản lý dược thống nhất với các địa phương quan điểm cho phép tăng giá thuốc nhưng khống chế tỷ lệ tăng giá của thị trường thuốc không được cao hơn chi phí đầu vào, không cho phép tăng đồng loạt, bất hợp lý mà phải có lộ trình, tránh bùng phát về giá.

Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng kiến nghị các địa phương ưu tiên nguồn kinh phí trả nợ, giải quyết khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc. Chậm nhất đến ngày 15/7, các địa phương phải báo cáo về Bộ Y tế tình hình dự trữ thuốc để Bộ tổng hợp và có những kiến nghị hợp lý trình Thủ tướng Chính phủ.