Quyết định giảm lãi suất cho vay dồn dập của 3 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất hiện nay được coi là cú hích lớn buộc các ngân hàng nhỏ phải xem xét cắt giảm lãi suất, nhất là khi vốn khả dụng của hệ thống đã dư thừa.
Không lâu sau bước đi tiên phong cắt giảm lãi suất cả ngoại tệ và nội tệ của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, ngày 17/7, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã có động thái tương tự. Theo đó, lãi suất cho vay USD và VND của Agribank giảm lần lượt là 2%/năm và 0,5%/năm; còn Vietcombank là 0,5%/năm và 1%/năm.
Khẳng định việc giảm lãi suất ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, song cả 3 ngân hàng đều cho rằng quyết định này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý hơn, từ đó sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cho nền kinh tế lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cùng với động thái tích cực của 3 ngân hàng “đàn anh”, thị trường cũng đang có những diễn biến thuận lợi, nhất là đối với USD, khiến các ngân hàng còn lại vững tâm hơn khi xem xét giảm lãi suất. Điều dễ nhận thấy nhất là nhu cầu vay USD trên thị trường liên ngân hàng đã được đáp ứng khá dễ dàng với mức lãi suất ngày càng thấp, hiện dao động trong khoảng 2-2,5%/năm kỳ hạn 1-2 ngày, so với mức 3,8-5%/năm hồi cuối tháng 4, khiến lượng ngoại tệ của nhiều ngân hàng tăng đáng kể.
Trong khi đó, nhu cầu vay USD để nhập khẩu hàng hóa giảm hẳn, đặc biệt là những mặt hàng cao cấp như ôtô, đã làm dịu tình trạng căng thẳng về cung-cầu ngoại tệ trên thị trường. Đến đầu tháng 7, dư nợ cho vay USD đã giảm 0,3% so với thời điểm cuối tháng 5.
Tuy vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, việc hạ lãi suất “không thể theo đám đông” mà cần căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện số dư tiền gửi VND giữa các khối ngân hàng không đồng đều. Trong khi các ngân hàng lớn có mức dự trữ vượt yêu cầu, thì một số ngân hàng cổ phần ở một số thời điểm vẫn chưa tự đảm bảo mức dự trữ bắt buộc và phải dùng công cụ lãi suất để điều tiết. Đây cũng là một trong những lý do cơ bản khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại nhận định rằng lãi suất VND chưa thể giảm ngay