Đại Từ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại

15:47, 13/07/2008

2 năm trở lại đây, phát triển chăn nuôi ở huyện Đại Từ đang có xu hướng giảm, các hộ nông dân không còn mặn mà với việc đầu tư cho chăn nuôi. Mặc dù Đại Từ đã xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2006-2010, song hiệu quả không đạt được như mong muốn.

 

Tính đến hết quý I năm 2008, tổng đàn bò trong toàn huyện là hơn 3.100 con, đạt 34% so với mục tiêu Đề án đến năm 2010; đàn trâu giảm hơn 2.600 con so với năm 2005; đàn gia cầm giảm hơn 257.000 con; chăn nuôi theo mô hình trang trại  chưa nhiều, toàn huyện mới có 14 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại, 6 hộ chăn nuôi gia cầm theo mô hình trang trại…

 

 Qua tìm hiểu nguyên nhân từ thực tế chúng tôi được biết: Hiện nay đội ngũ cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi của huyện Đại Từ đã được đào tạo qua trường lớp, nhưng vẫn thiếu những người có chuyên môn sâu, thiếu sự say mê trong công việc. Trình độ chẩn đoán và điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của một bộ phận thú y cơ sở còn hạn chế. Một số xã chưa thực sự chú ý đến phát triển đàn gia súc, gia cầm cũng như công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, chủ yếu công việc này vẫn “giao toàn quyền” cho cán bộ khuyến nông cơ sở. Các nguồn vốn cho người dân vay phát triển chăn nuôi ít, lãi suất cao, thời gian thu hồi vốn ngắn. Chưa kể trong 2 năm 2006-2007, dịch bệnh lại xảy ra nhiều (dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm…) nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng đàn của các hộ chăn nuôi.

 

Trong khi đó trình độ của người nông dân còn thấp, chưa được trang bị kỹ thuật chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi bằng kinh nghiệm, do đó không chủ động được trong việc phòng, chống dịch bệnh; nhiều hộ nông dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong việc phòng, chống dịch bệnh…

 

Để đạt được mục tiêu đến năm 2010 giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi là 20% tổng  giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (trong đó giá trị chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 90%) huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp cấp thiết. Từ nay đến năm 2010, huyện tích cực chuyển dịch  cơ cấu giống vật nuôi theo định hướng đưa mạnh các giống có năng suất, chất lượng, sản phẩm tốt vào thay thế các giống địa phương. Từng bước tăng đàn lợn nái ngoại, mỗi năm từ 2-3 trang trại. Phát triển đàn bò cái sinh sản, chủ yếu mua giống từ bên ngoài được tuyển chọn kỹ lưỡng về chất lượng bò nái sinh sản, duy trì và khai thác tốt 14 bò đực giống lai Sind.

 

Tiếp tục thực hiện cải tạo đàn trâu theo chương trình của tỉnh, hướng chính là tập trung chọn lọc trâu đực giống tại địa phương, nhập mua thêm trâu đực giống mới (giống lai Murah); bình tuyển đàn trâu cái tại một số xã trong huyện. Phát triển mạnh các giống gà lông màu chất lượng cao, gà đẻ trứng, vịt siêu thịt, siêu trứng…

 

Tạo điều kiện phát triển các trang trại chăn nuôi gà bố mẹ quy mô vừa và nhỏ để cung ứng giống và đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Xây dựng mỗi năm từ 2-3 mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học và chăn nuôi gà bố mẹ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống, việc sản xuất và cung ứng giống gia súc, gia cầm sẽ được giám sát và quản lý chặt chẽ từ cấp xã, thị trấn. Lập hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 10-15 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm/năm.

 

Huy động từ nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn lãi suất ưu đãi của các ngân hàng trên địa bàn huyện, trong đó phấn đấu nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi đạt 60-70% nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách huyện để tiếp tục xây dựng các mô hình điểm cấp huyện về chăn nuôi trâu, bò, chăn uôi lợn nái ngoại theo mô hình trang trại công nghiệp (Quy mô 40-60 con/hộ)…