Đại Từ hiện có 5.000ha chè, nhưng thương hiệu chè Đại Từ lại chưa được khẳng định trên thị trường, bởi thế huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè trong giai đoạn 2006-2010 nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây chè, đưa cây chè trở thành cây giúp người nông dân làm giàu...
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2010: Trồng mới, trồng lại là 500 ha; năng suất bình quân tăng từ 4-5%/năm; sản lượng chè búp tươi đạt 45.000 tấn vào năm 2010; từng bước xây dựng vùng chè chất lượng cao 1.000 ha; khẳng định thương hiệu chè trên thị trường trong và ngoài nước…
Đến nay, diện tích chè đạt 5.098ha/5.500 ha theo kế hoạch, trong đó diện tích chè kinh doanh là 4.743ha/5.000 ha chè (bằng 95% so với mục tiêu Đề án đến năm 2010); năng suất bình quân đạt 91tạ/ha/75tạ/ha kế hoạch (đạt 121,3% so với kế hoạch); sản lượng chè búp tươi là 43.223 tấn/37.500 tấn kế hoạch (đạt 115,3%)…
Trong 2 năm 2006-2007, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV và UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn về kỹ thuật, thâm canh, cải tạo và trồng mới chè, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… được trên 400 lớp với hơn 15.000 lượt hộ tham gia. Thông qua các lớp tập huấn đã có nhiều hộ nông dân biết ứng dụng kỹ thuật sản xuất chè cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều hộ đã trở thành điển hình trong sản xuất, chế biến chè như bà Lương Thị Cảnh (xã Phú Thịnh); ông Trần Trọng Bình (xã La Bằng); ông Bàng Văn Thanh, ông Bàng Văn Chi (xã Hùng Sơn)… Huyện đã tổ chức cho trên 1.000 lượt hộ nông dân đi thăm quan, học tập các mô hình sản xuất, thâm canh, cải tạo và chế biến, tiêu thụ chè trong và ngoài huyện. Xây dựng mô hình cải tạo, thay thế giống chè cũ tại xóm Bắc Hà (xã Mỹ Yên) với diện tích 35 ha bằng giống chè LDP1, TRI 777; thực hiện mô hình thâm canh chè chất lượng cao ở xã Hùng Sơn, xã Mỹ Yên bằng giống chè LDP1, Kim Tuyên; triển khai và thực hiện mô hình trồng chè mới chất cao tại 4 xã Hoàng Nông, La Bằng, Phú Thịnh, Phú Cường với diện tích 32 ha bằng giống chè LDP1.
Trong 2 năm (2006-2007) Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT, Ngân hàng Chính sách-xã hội huyện cũng đã tạo điều kiện cho nông dân vốn để cải tạo, thâm canh, trồng mới và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất chè với tổng số vốn vay trên 110 tỷ đồng cho hơn 22.000 lượt hộ vay…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án huyện Đại Từ vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Việc quy hoạch vùng sản xuất chè chất lượng cao 1.000 ha chưa được triển khai cụ thể; việc giúp đỡ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm chè và tiêu thụ sản phẩm chè còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc tập huấn kỹ thuật; một số xã triển khai thực hiện Đề án còn chung chung, hoạch chỉ quan tâm đến việc trồng mới; việc sử dụng vốn vay đầu tư phát triển cây chè chưa được giám sát tốt, hộ vay sử dụng đồng vốn phân tán không tập trung cho cây chè; việc sử dụng thuốc BVTV không đúng theo quy định trên cây chè còn khá phổ biến; quy trình chăm sóc, thu hoạch chưa được nông dân tuân thủ nên chất lượng sản phẩm chè búp khô chưa cao…
Nếu như những tồn tại trên sớm được khắc phục thì cây chè sẽ thực sự trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ nông dân trên đất Đại Từ.