Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân luôn là mục tiêu hàng đầu được Đảng ủy, các cấp chính quyền xã Yên Trạch (Phú Lương) đề ra thực hiện có hiệu quả trong những năm vừa qua.
Những năm gần đây, xã Yên Trạch tập trung khai thác các dự án 135, dự án ODA... xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư nguồn vốn cho nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Đồng chí Nguyễn Văn Biểu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: "Đảng bộ xã đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người nông dân và chúng tôi đã triển khai đến từng xóm, các tổ chức đoàn thể để khai thác nguồn vốn hỗ trợ nhân dân sản xuất. Ngoài chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, công trình nước sạch… thì các tổ chức, đoàn thể của xã còn tín chấp với các Ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội) cho người dân vay vốn đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 100 hộ dân trong xã được vay đầu tư vào sản xuất với số dư nợ trên 4 tỷ đồng. Để người dân sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT mở các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như đưa các giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất trên diện tích rộng…".
Không chỉ dừng lại ở đó, nhân dân xã Yên Trạch còn mạnh dạn đầu tư thâm canh cải tạo và trồng mới cây chè với các giống chè như: LDP1, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích chè trong xã lên 200 ha với năng suất đạt 65 tạ/ha. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều gia đình đã đầu tư vào kinh doanh, chế biến gỗ, dệt mành cọ… để tăng thu nhập và ổn đinh đời sống. Trong xã đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi có thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng như gia đình anh Lường Văn Đông (Khau Đu), anh Ma Văn Tài (Khuôn Cườm), anh Nguyễn Đình Quyền (Na Mảy)… Trong đó, điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Thượng, xóm Bản Héo.
Trò chuyện với chúng tôi về cách làm giàu, anh cho biết: "Trước kia, gia đình cũng khó khăn lắm, cả nhà với 7 nhân khẩu trông vào 2 sào chè và một mẫu ruộng mà vẫn không đủ ăn. Khi nắm bắt được nhu cầu chăn nuôi của bà con, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tôi đã vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT được 10 triệu đồng đầu tư kinh doanh thức ăn gia súc. Ngoài ra, gia đình tôi còn thu mua xước cọ giao cho đầu mối, dệt mành cọ của bà con. Bên cạnh đó tôi đưa các giống lúa lai vào sản xuất, chăn nuôi lợn gà… mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi còn lãi từ 25 đến 30 triệu đồng. Hiện nay, kinh tế gia đình đã ổn định hơn…". Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên đời sống của người dân bớt khó khăn hơn.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, xã Yên Trạch vẫn chưa hết những khó khăn. Cả xã hiện còn 71% hộ nghèo (là mức cao so với các xã khác trong huyện), việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, do địa hình nhiều đồi núi nên việc tưới tiêu cho đồng ruộng gặp rất nhiều khó khăn… Để Yên Trạch phát triển nhanh, bền vững và xoá đói giảm nghèo, xã rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, cây trồng vật nuôi, mở thêm các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ Nạm Đất để chủ động phục vụ tưới tiêu cho diện tích đất đồng ruộng và hoa màu trong xã, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Như vậy mới hy vọng nhân dân Yên Trạch nhanh thoát khỏi đói nghèo…