Những ngày cuối tháng 7/2008, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã thực hiện hạ lãi suất huy động. Tuy không có nhiều thông tin rầm rộ nhưng dấu hiệu này được các DN đón nhận với niềm hy vọng với.
Một trong những ngân hàng thường xuyên có mức lãi suất huy động cao và đã có lần bị nhắc nhở về vi phạm thỏa thuận lãi suất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) bắt đầu áp biểu lãi suất huy động VND mới với mức giảm nhẹ. Theo đó, lãi suất cao nhất là 18,8%/năm. Mức giảm là 0,2% so với đỉnh 19% của thị trường mà ngân hàng này áp dụng trước đó. Trước đó SCB là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường với những mức trên 19%/năm.
Ngân hàng Kỹ thương Techcombank có lãi suất huy động VND áp dụng đồng loạt giảm dưới 18%/năm từ ngày 21/7, nhưng riêng các kỳ hạn từ 3 - 6 tháng có từ 18% - 18,1%/năm. Đây cũng là những mức lãi suất thấp hơn nhiều ngân hàng cổ phần khác và gần với mức của các ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) từng có những đợt tăng lãi suất mạnh và những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, hiện mức cao nhất là 18,72%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi theo bậc thang từ trên 500 triệu đồng.
Nếu như trước đây 1 tháng, mức đỉnh thị trường trên 19% thậm chí là 19,5% được nhiều ngân hàng áp dụng thì sự điều chỉnh này đang ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia.
Đầu tiên là các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại lãi suất và các sản phẩm dịch vụ như: loại bỏ những chương trình tiết kiệm, huy động có thưởng, có mức lãi suất cao. Sau đó là hạ lãi suất cao các kỳ hạn ngắn và cực ngắn mà ngân hàng đã áp dụng trong thời kỳ khó khăn về thanh khoản.
Đến nay, mốc 19% gần như không còn được áp dụng trên thị trường, đỉnh mới của lãi suất huy động ở dưới 19% và phổ biến và 18,5%. Nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)… lãi suất huy động đều phổ biến dưới 18,5%/năm. Như vậy, so với mức lãi suất cao nhất trên 19% thì mức giảm đã khá rõ khoảng 0,5%.