Người dân Tân Cương tự dồn điền đổi thửa

10:35, 22/07/2008

Đồng chí Vương Sĩ Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trong phát triển kinh tế của xã, cây lúa đứng thứ 2 sau cây chè, song cả 2 loại cây đều được người nông dân coi trọng, đầu tư phát triển. Nhưng để người dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn, Tân Cương đang có kế hoạch vận động bà con dồn điền đổi thửa.

Thực tế thì, việc dồn điền đổi thửa giữa các nông hộ ở xã Tân Cương đã diễn ra từ mấy năm về trước. Ông Lương Văn Hoà, xóm Hồng Thái 2 là một điển hình. Năm 2007, gia đình ông Hoà đã thoả thuận, thống nhất đổi đất với gia đình ông Lê Văn Trung 1 sào đất. Thuận lợi là cả 2 gia đình ở cùng 1 xóm, có đất cùng 1 xứ đồng và đều có chung ý tưởng cần đổi đất gần nhau để đưa máy móc vào sản xuất được thuận lợi. Vì thê, mặc dù đất của ông Trung thuận nước, sản xuất được 2 vụ lúa; còn phần đất của ông Hoà phải bơm, tát cấy 1 vụ lúa, nhưng họ đã thoả thuận đổi ngang bằng. Ông Hoà cấy được 2 vụ lúa còn ông Trung có đất để trồng chè. Từ việc đổi thửa, các nông hộ này có điều kiện đầu tư cho phân bón, thuỷ lợi, đặc biệt là họ không phải một ngày chạy mấy cánh đồng vừa mất công sức, vừa mất thời gian.

Như vậy, người nông dân đã nhìn thấy ích lợi trong việc dồn điền đổi thửa, có người chấp nhận thiệt thòi một chút do chất đất có thể không bằng như trước, nhưng đổi lại họ có thể chuyển hướng đầu tư hoặc đầu tư lớn hơn... Cũng chuyện dồn điền đổi thửa với ông Hoà. Năm 2003, gia đình ông Hoà và gia đình ông Hoàng Kim Quy cùng trao đổi với nhau hơn 400 m2 đất. Đất ông Hoà ở cánh đồng Đội Cấn, tiện nước, sản xuất được 2 vụ; đất ông Quy ở cánh đồng Thuỷ Văn, phải bơm tát, sản xuất khó khăn hơn, đã vậy mảnh ruộng của ông Quy lại nhỏ hơn ruộng ông Hoà 20m2. Nhưng ông Hoà vẫn đổi, bởi 2 bên đều được ruộng gần nhà, tiện chăm sóc, đầu tư...

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng, ông Hoà cho biết: Trong xã đã có nhiều nông hộ tự trao đổi ruộng đất với nhau. Họ đã làm như vậy từ nhiều năm nay, vì bây giờ việc cày, bừa, gieo hạt chủ yếu bằng máy… Tôi rất mong chính quyền địa phương vào cuộc, định hướng, tạo điều kiện cho các nông hộ trong xã thuận lợi hơn trong việc trao đổi đất đai sản xuất.

Đồng chí Vương Sĩ Tạo cho biết thêm: Trước những năm 1990, Nhà nước thực hiện chia lại ruộng đất cho nông dân, để công bằng, đất sản xuất nông nghiệp được chính quyền đánh làm 5 hạng, chia đều cho nông dân, ai cũng có đất tốt- xấu, xa- gần. Rồi, nhà có con gái lấy chồng xa, con trai đi bộ đội... đất được HTX lấy lại, chia cho lao động khác. Cứ như vậy các cánh đồng Y Na, Đội Cấn, Gò Pháo… bị sẻ vụn ra, không ít mảnh chỉ rộng khoảng 120 m2. Nhiều mảnh ruộng các hộ phải đắp bờ con trạch hoặc chừa lại chút đất để phân biệt lúa, màu giữa các hộ…

Hiện Tân Cương đang tuyên truyền để người nông dân làm quen với việc dồn điền, đổi thửa. Dự kiến năm 2009 sẽ triển khai đến các xóm, những nông hộ tự nguyện tham gia sẽ tự kê khai.