Nỗ lực đưa đường dây 220 kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên vào vận hành

16:15, 03/07/2008

Để truyền tải điện năng từ Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang hoà vào lưới điện Quốc gia và một phần nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc theo hướng Vân Nam qua cửa khẩu Hà Giang về Thái Nguyên, tháng 05/2007, Dự án xây dựng đường dây 220 kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên đã chính thức được khởi công. Hiện các hạng mục cuối cùng của Dự án đâng được khẩn trương hoàn thành để sớm đóng điện, đưa đường dây vào vận hành.

Theo ông Võ Huy Diễm, Phó trưởng Ban QLDA các công trình điện miền Trung (AMT), tháng 05/2006, AMT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ thay mặt EVN làm chủ đầu tư thực hiện công tác đầu tư xây dựng dự án. Với sự nỗ lực, khẩn trương thực hiện tất các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như trình duyệt Dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… đến tháng 05/2007, AMT đã tổ chức khởi công xây dựng công trình và tháng 09/2007, các đơn vị thi công bắt đầu dựng cột, kéo dây.

 

Dự án được thực hiện theo cơ chế 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng chính phủ, theo đó tất cả các gói thầu đều thông qua hình thức chỉ định thầu và đã lựa chọn được nhiều nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thi công dự án. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, AMT phải huy động cùng lúc một số lượng lớn các nhà thầu thi công. Tuy nhiên do điều kiện địa hình núi đá hiểm trở và thời tiết không thuận lợi nên rất khó khăn cho việc đào đúc móng, nhưng vướng nhất vẫn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

Nhiều hộ dân dưới hành lang tuyến đảm bảo điều kiện tồn tại theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP không chịu nhận tiền đền bù mà đòi di dời khỏi hành lang, hơn nữa do các địa phương duyệt phương án đền bù quá chậm nên tiến độ thi công thường xuyên bị gián đoạn. Mặt khác, khi thi công đường dây 220 kV Tuyên Quang - Thái Nguyên trước đây có một số hộ dân ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) nằm trong hành lang tuyến đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn muốn được di dời khỏi hành lang nên có đơn thư khiếu kiện vì lo sợ ảnh hưởng của điện từ trường.

 

Riêng đoạn tuyến đi qua tỉnh Tuyên Quang thì vướng rừng đặc dụng tại huyện Na Hang và Chiêm Hoá, do thủ tục mở cửa rừng theo quy định hiện nay rất khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục như xin giấy phép khai thác, chuyển mục đích sử dụng, biện pháp khai thác tận thu. Cộng với việc ban hành đơn giá mới về đền bù đất đai, tài sản, hoa màu được áp dụng từ tháng 05/2008 của tỉnh Thái Nguyên khiến các hộ đã được kê kiểm, áp giá nhưng không chịu nhận tiền mà yêu cầu kê kiểm áp giá lại theo đơn giá mới… làm cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện AMT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tổ chức nhiều cuộc họp, tuyên truyền, động viên, tiếp xúc với các hộ dân để người dân hiểu, ủng hộ công tác xây dựng công trình. Trong trường hợp đặc biệt, để đảm bảo tiến độ thi công, Ban AMT sẽ phải nhờ chính quyền địa phương có biện pháp mạnh, hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công.

 

Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành công tác đổ bê tông phần móng và dựng cột, riêng phần kéo dây đã thi công xong hơn 95% khối lượng công việc, còn một số đoạn chưa thi công được do vướng đền bù.

 

Cũng theo ông Diễm, để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào vận hành, Ban AMT đã không ngừng nỗ lực, lựa chọn và cử các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt trên công trường kịp thời xử lý các vướng mắc và có biện pháp can thiệp để các nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu xây lắp có kế hoạch huy động lực lượng, tập trung máy móc, thiết bị, dụng cụ thi công được chủ đầu tư phê duyệt để đảm bảo tiến độ thi công. Ngoài ra, Ban cũng tạo mọi điều kiện đẩy nhanh công tác thanh toán, giải ngân phiếu giá kịp thời cho các đơn vị thi công; thường xuyên phối hợp với các đơn vị phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất trên công trường…

 

Hy vọng, với sự cố gắng, quyết tâm của AMT và các đơn vị tham gia xây dựng công trình, sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền và nhân dân các địa phương có đường dây đi qua, Dự án xây dựng đường dây 220 kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên sẽ được hoàn thành, đóng điện và đưa vào vận hành trong một ngày gần đây, góp phần giảm áp lực thiếu điện cho đất nước trong năm 2008 và những năm tiếp theo.