Sau nhiều năm bôn ba tới các vùng đất của Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Tĩnh… đến tuổi ‘’Tam thập nhi lập’’ thì Dương Văn Hùng bỏ những chuyến buôn bán đường dài, ở hẳn nhà đầu tư vốn đào ao nuôi ếch, ba ba và nuôi con rắn lùng lục.
Đó là vào năm 1996, Hùng bỏ hội buôn với cánh Làng Mịt, xã Nhã Lộng (Phú Bình) với quyết chí làm giầu tại mảnh đất quê hương. Mấy người bạn cùng làng Mịt bảo: Tay Hùng thích khác người, đang làm ăn buôn bán có đồng ra, đồng vào lại bỏ mối hời để đâm vốn vào nuôi ‘’con đồng quê’’ bán cho người thành phố.
Còn bố mẹ Hùng, ông Dương Văn Hạ động viên: Con đi nhiều, biết nhiều, thấy chắc ăn mà không làm thì thuộc kẻ thối chí. Quyết làm, bố mẹ giúp thêm vốn.
Anh Hùng tâm sự: Bạn bè khuyên can vì họ thiếu thông tin. Còn việc đầu tư vốn xây bể, nuôi ếch, ba ba, rắn là việc mới ở làng Mịt, nhưng với các tỉnh khác như Hà Tây, Hà Tĩnh… thì đã là chuyện cũ.
Việc Dương Văn Hùng, người thanh niên làng Mịt "cắt duyên" buôn bán trứng vịt, rẽ ngả nuôi "3 con đồng quê" bán cho người trên phố được bắt đầu từ chuyến đi hàng vào miền Trung, rồi tranh thủ đến thăm mấy người bạn đồng ngũ nơi nắng lửa Hà Tĩnh cách đây đúng 12 năm. Sau chầu bia, bạn bè đưa Hùng đi thăm mô hình kinh tế của gia đình, toàn những ba ba, ếch, rắn, vậy mà năm nào cũng cho thu hoạch vài trăm triệu đồng tiền lãi.
Những người bạn Hà Tĩnh đã dạy anh cách chăn nuôi "3 con đồng quê" bán cho người thành phố làm đặc sản. Nhưng có điều khác, đây là những con giống được mang về từ Thái Lan, đã qua lai tạo, đạt hiệu quả kinh tế cao, phải chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp.
Ban đầu vốn liếng chưa nhiều, Hùng cùng mọi người trong nhà đào ao, dùng lưới quây và trở vào Hà Tĩnh nhờ bạn bè mua giúp 10.000 con ếch bột. Suốt dọc đường gần 500 cây số trở ra, ngồi xe khách mà anh lo lắng như ngồi trên đống lửa. May thay, ếch "chịu nhiệt" tốt, vừa mở nắp hộp, cả vạn con ếch nhảy ào ào xuống ao, đớp mồi, thi nhau lớn. Sau 3 tháng, Hùng phấn khởi thu hoạch lứa ếch đầu tiên, kiểm đếm lại còn 4.000 con, bán tất cho thương lái tại bờ ao, lãi ròng 7 triệu đồng. Ngay hôm sau, anh lại tất tả bắt xe vào Hà Tĩnh mua lứa ếch mới, đồng thời hỏi chuyện tại sao nuôi 1 vạn con ếch, khi thu hoạch chỉ còn 4.000 con?. Mấy người bạn Hà Tĩnh nắm tay, bảo Hùng: Ông nhìn cái miệng con ếch thì biết, cứ vật gì vừa là nó nuốt. 10 con mất 6 là do chúng tự nuốt lẫn nhau. Cách tốt nhất là phải chú ý tuyển lựa ếch, cho ếch cùng cỡ vào một ngăn.
Vậy là từ lứa ếch thứ 2, thả con nào, có lãi con nấy, cứ 3 tháng được thu 1 lứa, năm đầu chưa nuôi nhiều song Hùng đã xuất bán được 4 vạn con, lãi ròng khoảng 50 triệu đồng. Cùng năm đó, một số ao nhỏ đã xây kè chắc chắn, Hùng đầu tư mua thêm 1.000 con ba ba giống về chăn thả.
Nói chuyện làm ăn, ông Dương Văn Nhưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Anh Hùng là nông dân trẻ năng động, dám làm nhưng không liều, chịu đầu tư làm cái mới trên cơ sở nắm bắt được kiến thức KHKT.
Để thuận lợi cho phát triển trang trại nuôi "con đồng quê", bán cho người thành phố, anh Hùng đã phải tự học thêm kỹ thuật nuôi ếch hệ bố mẹ và bỏ vốn mua luôn mấy chục đôi. Ngay tại bể nuôi của nhà, Hùng đã gây cho ếch đẻ được theo ý muốn. Cách đầu tư này giảm được chi phí cho những chuyến vào miền Trung để mua ếch con, vả lại ếch nuôi cũng không bị còi cọc do vận chuyển đường dài. Ông Lê Đăng Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã rất tâm đắc với mô hình kinh tế này, đã thán phục bảo với tôi: Anh Hùng đầu tư xây dựng trang trại nuôi "con đồng quê" rất bài bản, suốt ngày ông ở ngoài ao, da đen nhẻm vì mê mải chăm lo cho lũ đặc sản để ngoài trời. Bận rộn là thế, nhưng anh luôn sẵn lòng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi ếch, ba ba, rắn với các nông dân khác.
Anh Hùng khoát tay, bảo: Trên diện tích đất hơn 2 mẫu của gia đình, tôi đầu tư toàn bộ vào xây dựng bể nuôi ếch, ba ba và rắn. Tôi muốn ở quanh đây có nhiều hộ cùng đầu tư chăn nuôi, vì như thế mới trở thành vùng hàng hoá tập trung, thương lái mới tìm về thu mua sản phẩm.
Dừng lời ít phút, anh Hùng tiếp tục câu chuyện: Ếch có cám chăn riêng, ngày cho ăn 2 lần. Còn ba ba, rắn 2 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn là cá con, nhái, cóc… quan trọng là phải biết cách phòng, chữa bệnh cho chúng.
Có lẽ sau hơn 10 năm đầu tư nuôi ếch, ba ba, rắn, anh Hùng đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm như việc tạo mưa cho ếch đẻ đạt lượng trứng hữu hiệu cao. Cũng như việc chăm sóc, cho ba ba ba đẻ rồi lấy trứng mang về ấp, nở tại nhà. Đặc biệt là cách xử lý môi trường nước trong các ao, bể bằng thả bèo, hoặc tạo độ tảo trong nước hợp lý, bảo đảm được điều kiện cho vật nuôi khoẻ mạnh, phát triển nhanh. Chợt anh Hùng kéo tay tôi, bảo: Sang ao nuôi ba ba. Hết sức vui mắt, những con vật thuộc loài "trường thọ" hé mắt ti hí, thờ ơ nhìn… riêng năm 2007 đàn ba ba này đã sản sinh được trên 2 vạn con giống, bán được hơn 10 triệu đồng, còn đàn rắn nước mới đầu tư nuôi năm trước, ông Hùng chưa bán vì còn để nhân đàn.
…Ếch, ba ba, rắn - những được nhiều nhà hàng ở thành phố chế biến thành các món ăn đặc sản. Đặc biệt, những "con đồng quê" này còn được xuất sang Trung Quốc. Xin nhắc lại lời anh Hùng: "3 con đồng quê" này rất dễ nuôi, có bao nhiêu cũng chưa đủ đáp ứng cho thị trường thành phố trong nước và xuất bán ra nước ngoài.