Thái Nguyên chung tay cùng cả nước

15:41, 05/07/2008

Lạm phát đang là vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế đất nước. Chính phủ đã có Quyết định và cả Nghị quyết chuyên đề về kiềm chế lạm phát, chỉ đạo các địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, ổn định nền kinh tế.

Với Thái Nguyên, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, ngày 17-4-2008, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát. Theo đó, 6 nhóm giải pháp cơ bản đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Đó là các nhóm giải pháp: Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thúc đẩy lưu thông; triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát các dự án đầu tư, hoãn, dãn tiến độ một số công trình chưa thực sự cấp bách để dồn vốn hoàn thành các công trình phát huy hiệu quả; chỉ đạo đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả; rà soát, nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường thông tin tuyên truyền về kiềm chế lạm phát. Các nhóm giải pháp này được các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đồng loạt triển khai và chỉ hơn hai tháng (từ 17-4 đến 30-6) đã thu được nhiều kết quả.

Bước vào năm 2008, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chống hạn, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng vật tư, phân bón ổn định sản xuất cho nông dân. Cụ thể, đã chi trên 5,5 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi; chi gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hạn hán... Với các dự án xây dựng gặp khó khăn, nhất là các dự án trọng điểm (Nhà máy xi măng Thái Nguyên, dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo, dự án tuyến Quốc lộ 3 mới, Quốc lộ 37, đường Quang Trung, tuyến tránh T.P Thái Nguyên, dự án xây dựng Trung tâm thương mại Thái Nguyên...) đã được tỉnh quan tâm tháo gỡ bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành dự án. Cùng với đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mở rộng mô hình hoạt động, giải quyết các thủ tục xuất khẩu, tác động với ngân hàng thương mại giúp các doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất.

Thực hiện giải pháp thực hành tiết kiệm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị triệt để tiết kiệm chi 10% ngân sách theo kế hoạch (cả năm tiết kiệm chi 28.390 triệu đồng). Tạm dừng mua sắm tài sản công có giá trị lớn, hạn chế tối đa các khoản chi hội họp, tiếp khách... Số tiết kiệm trên sẽ tập trung bổ sung vào ngân sách dự phòng để phòng chống thiên tai và các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành rà soát các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách, dãn tiến độ thực hiện và đình hoãn đầu tư 10 dự án với số vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch dãn tiến độ và bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2008 và 2009. Tập trung xử lý các vướng mắc trong xây dựng cơ bản, nhất là việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng do yếu tố tăng giá đột biến để tổ chức đấu thầu. Cụ thể, từ tháng 4-2008, tỉnh đã ban hành đơn giá theo từng quý, tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trong điều chỉnh tổng mức đầu tư, tổng dự toán và giá gói thầu.

Để đảm bảo bình ổn thị trường, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra giá cả hàng hoá trên địa bàn, nhất là các mặt hàng có biến động giá, xử lý các trường hợp đầu cơ trục lợi, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá một số mặt hàng, dịch vụ theo quy định. Do vậy, thời gian qua trên địa bàn không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xi măng, gạch xây dựng, lương thực, thực phẩm, phân bón dần được ổn định và giảm giá. Chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh 6 tháng đầu năm 2008 đã thấp hơn khoảng 1% so với bình quân chung của cả nước và nhiều địa phương khác.

Cùng với các giải pháp trên, tỉnh cũng đã triển khai các chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ học bổng cho học sinh dân tộc thuộc các xã 135. Nâng cao tỷ lệ giải ngân thực hiện các chương trình 134, 135, chương trình giảm nghèo... trên địa bàn.

Góp phần kiềm chế lạm phát không thể không nhắc đến những đóng góp của công tác thông tin, tuyên truyền. Nhờ sự thông tin kịp thời, chính xác của các cơ quan báo chí trên địa bàn mà đã ngăn chặn được các thông tin thất thiệt về giá cả thị trường. Việc đầu cơ nâng giá gây xáo trộn tình hình đầu tư đã được hạn chế tối đa.

Với việc thực hiện triệt để, hiệu quả 6 nhóm giải pháp trên, tình hình lạm pháp trên địa bàn đã được kiềm chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế không những bằng mà còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước: Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2008 tăng 25,2% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực cũng tăng 6,7%; giá trị xuất khẩu tăng 40,7%; thu ngân sách tăng 76,8%; có trên 300 nhà đầu tư đến tìm cơ hội đầu tư, bằng cả năm 2007...