Vụ Xuân năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thái Nguyên vẫn giành được những kết quả khả quan. Thời điểm này bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung cho sản xuất vụ mùa, phấn phấn đấu đạt sản lượng lương thực cây có hạt 205.600 tấn...
Cuối tháng bảy, lúa đã xanh đồng, lác đác trên các khoảnh ruộng của Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Hùng Sơn (Đại Từ) và Nà Cườm (Định Hoá)… nông dân đang tập trung cấy nốt đám ruộng cuối. Ngay cánh đồng thuộc xã Đồng Liên (Phú Bình), bà Trần Thị Hiền cho biết: Đây là đám ruộng làm dược mạ, gia đình cấy tận dụng đất để khỏi hoang phí.
Vẫn cầm nắm mạ trên tay, bà Dương Thị Tuyết, người đến cấy giúp gia đình bà Hiền cho biết thêm: Nhiều diện tích lúa sớm đã được nông dân phun thuốc trừ cỏ lần 1. Được cái thời tiết thuận lợi, nước tưới đầy đủ, nhưng ngặt nhất là giống, phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng giá.
Giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng, nhưng nông dân các huyện, thị và thành phố đã không bỏ đất trống. Hiện toàn tỉnh đã gieo cấy được 40.050 ha lúa và 3.360 ha ngô, 2.120 ha khoai lang, 870 ha đỗ tương, 623 ha lạc, và 2.269 ha cây rau màu các loại. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, 100% diện tích lúa, ngô, màu được nông dân gieo cấy đúng khung thời vụ.
Để sản xuất vụ mùa thắng lợi, ngay từ sau thu hoạch vụ đông, cán bộ khuyến nông các huyện, thị và thành phố đã về cơ sở, hướng dẫn cho nông dân việc cày, bừa, bón lót phân hữu cơ, sử dụng các loại giống lúa phù hợp có năng suất ổn định, chất lượng cao, khả năng chống chịu khá được chỉ đạo đưa vào sản xuất đại trà, đặc biệt là các giống lúa có chất lượng cao như: Lúa thơm HT 1, lúa lai VL 20, TH 3-3. Các giống ngô lai năng suất cao như: NK 4300, NK 66, B.9999, LVN4, LVN10, LVN9, LNS222…
Một số vùng lúa trọng điểm thuộc huyện Phú Bình, Phổ Yên và Đại Từ được ngành chỉ đạo tăng cường đưa các giống lúa lai vào sản xuất, mở rộng diện tích lúa thâm canh cao sản. Điển hình như huyện Phổ Yên có khoảng gần 1.000 ha lúa cao sản. Ông Ngô Thành Đề, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phổ Yên cho biết: Một số nông dân ở các xã Trung Thành, Tiên Phong, Đồng Tiến (Phổ Yên) đã tự tham gia sản xuất lúa, ngô và khoai tây giống.
Trong một diễn đàn của ngành, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Do ảnh hưởng của sản xuất vụ xuân, một số diện tích đất gieo cấy lúa xuân muộn được thu hoạch muộn hơn, nên diện tích trà mùa sớm năm nay chỉ thực hiện gieo cấy được khoảng từ 45-50% diện tích, chủ yếu bằng các giống Bỗi tạp Sơn Thanh, VL 20, Bồi tạp 49, các giống lúa thuần, khang dân 18, ĐV 108, lúa thơm số 1… Diện tích lúa mùa trung được gieo cấy từ 35-40% diện tích. Ngoài sử dụng các giống gieo cấy ở trà mùa sớm, nông dân sử dụng thêm các giống Q4, Q5, Nhị ưu 838, D.ưu 527, Bắc ưu 64… diện tích còn lại được gieo cấy mùa muộn, chủ yếu là giống Bao thai lùn và nếp hoa vàng.
Cơ cấu giống lúa trong sản xuất vụ mùa năm nay được vận dụng linh hoạt, ngoài các giống trên, nông dân còn đưa vào gieo cấy một số giống lúa mới đã sản xuất thử có triển vọng vào sản xuất mở rộng nhằm đánh giá, lựa chọn đưa vào cơ cấu giống cho sản xuất đại trà. Trên các chân ruộng, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho nông dân thực hiện cấy mạ non, đủ số lá, đặc biệt với các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn. Nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng phương pháp gieo mạ dược, mạ khay và nơi có điều kiện áp dụng phương pháp gieo thẳng nhằm giảm chi phí về công, giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng để kịp thời vụ gieo trồng ngô vụ đông.
Nói chuyện về kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa lai 1 rảnh/khóm, ông Lương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vụ mùa năm nay, Tân Cương được Trạm Khuyến nông Thành phố đưa máy gieo thẳng vào sản xuất thử nghiệm, hàng lối thẳng băng, khóm cách khóm đều tắp. Còn ông Lý Thành Coóng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố tâm sự: Chúng tôi đến với nông dân, cùng nông dân trao đổi, thảo luận về kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, con vật nuôi, điều quan trọng là sau khi thảo luận nông dân đã nắm bắt được kiến thức KHKT mới và áp dụng ngay vào sản xuất.
Trong khó khăn về sự tăng giá của giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thì Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp và Trung tâm giống cây trồng (Sở Nông nghiệp & PTNT) luôn có mặt, cùng nông dân đồng hành trong sản xuất. Ông Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp cho biết: Để giảm chi phí cho nông dân, đơn vị trực tiếp làm đại lý cấp I tại Nhà máy phân đạm urê (Hà Bắc) và khai thông nguồn hàng phân bón từ các nhà cung ứng tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Thanh Thủy (Hà Giang) và Hà Khẩu (Lao Cai) không qua trung gian, do vậy mỗi kg phân bón đến tay nông dân, so với giá thị trường tự do giảm được từ 150 đồng đến 200 đồng.
Với Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, ông Lê Kim Đĩnh cho biết: Đơn vị thường xuyên duy trì 27 cửa hàng đại lý và 25 cửa hàng, điểm bán tại các cụm, xã để cung ứng giống lúa, ngô và giống cây màu các loại cho nông dân, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.
Trở lại huyện Phú Bình, chứng kiến không khí lao động tấp nập của bà con nông dân trên cánh đồng của Nhã Lộng, Hương Sơn, Tân Hòa… cảm nhận trong tôi, mùa thu hái cũng không còn bao xa, dù chí ít cũng còn 90 ngày cây lúa sinh nhánh, đơm đòng, trổ bông và người nông dân còn phải bươn bả với nắng, mưa, lo phòng sâu bệnh, lũ bão…
Khi đến cánh đồng Mai Sơn (Kha Sơn), chị Đỗ Thị Xuyến đã bước lại gần, trong tay cầm nắm cỏ lồng vực, bảo tôi: Loại cỏ này giống như cây lúa, chúng phát triển nhanh, khỏe, cách loại bỏ tốt nhất là nhổ bằng tay… chị trò chuyện mộc mạc, câu từ không trau chuốt, nhưng trước mắt chúng tôi là cánh đồng Mai Sơn, Dọc Dần, đồng Thửa… nông dân chủ động được nước gieo cấy nhờ dòng sông máng. Xa hơn chút nữa, cánh đồng Chằm, 100% diện tích đất gieo cấy phụ thuộc nước trời, nên nhiều chân ruộng cao nông dân phải be bờ con trạch hoặc vạ bờ giữ nước, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt.