Dồn điền đổi thửa ( DĐĐT) đã giúp cho các hộ nông dân ở Cao Ngạn, Đồng Hỷ có điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển kinh tế hộ. Quá trình thực hiện DĐĐT cũng đã tạo được không khí lao động mới cho người nông dân. Việc DĐĐT ở vùng đất phía Nam huyện này đã cho những kết quả ban đầu đáng ghi nhận
Nằm ở phía Nam huyện Đồng Hỷ, xã Cao Ngạn có địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước dồi dào nên có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện Đồng Hỷ đã chọn xã Cao Ngạn làm xã điểm trong thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của tỉnh từ năm 2005 đến nay.
Quá trình thực hiện đã có 405/1.216 hộ trong xã tham gia, với tổng diện tích 266.482 m2; 747 thửa. Sau khi DĐĐT đã giảm hơn 13 thửa, 389 hộ được Ban chỉ đạo DĐĐT của Cao Ngạn trình huyện duyệt cấp giấy chứng nhận và chỉnh lý giấy chứng nhận, 142 trường hợp đã chỉnh lý, đủ điều kiện cấp. Ngoài ra còn có 122 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)của bà con đang thế chấp vay vốn ở các ngân hàng, nên chưa đủ điều kiện làm thủ tục cấp hoặc chỉnh lý; cơ quan chức năng đã cấp mới 92 giấy chứng nhận QSDĐ.
Điển hình trong phong trào DĐĐT của xã là xóm Cầu Đá, 39 hộ tham gia, với 116 thửa, bằng 38.265 m2, trong đó 9 hộ dồn 13 thửa bằng diện tích 5.720 m2; 14 hộ đổi 26 thửa bằng diện tích 5.360 m2 và 16 hộ chuyển nhượng 77 thửa bằng diện tích 27.185 m2.
Việc DĐĐT đã giúp cho các hộ nông dân có điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển kinh tế hộ. Bà Trần Thị Hương, nông dân của xóm Cầu Đá cho biết: Qua DĐĐT, đất sản xuất của gia đình tôi được quy hoạch gọn lại thành một khu, giảm được công đi lại giữa các thửa, đặc biệt việc chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn như khâu thuỷ lợi, bón phân, phun thuốc trừ sâu, đưa cơ giới hoá vào sản xuất thuận lợi và việc thu hoạch mùa vụ cũng nhanh gọn hơn.
Quá trình thực hiện DĐĐT ở Cao Ngạn cũng đã tạo được không khí lao động mới, nhiều nông dân trước đây đứng ngoài cuộc nay đã tự nguyện tham gia. Hiện Ban chỉ đạo DĐĐT của xã đang làm thủ tục cho hơn 30 hộ dồn, đổi từ hơn 40 thửa xuống còn gần 20 thửa.
Quá trình dồn, đổi ruộng đất, các hộ nông dân đã tự nguyện trao đổi, thực hiện chuyển qua nhiều lần, có thửa đất phải chuyển qua 5 chủ hộ mới xong. Có hộ nông dân chấp nhận đổi 2 thửa xa lấy 1 thửa gần hoặc đổi đất 2 lúa-1 màu lấy đất 1 lúa-1 màu hoặc chấp nhận lấy lại diện tích đất ít hơn của mình trước đó. Ông Đào Văn Đèn, xóm Gốc Vải cho biết: Tham gia DĐĐT, nhà tôi từ có 7 thửa giảm còn 3 thửa. Trong chuyển đổi, gia đình tôi chấp nhận thua thiệt gần 200 m2, nhưng được đất liền khoảnh, tiện cho việc đầu tư phát triển kinh tế hộ, với nông dân chúng tôi, đây là cơ hội tốt trong việc sử dụng đất có hiệu quả, từng bước đáp ứng được quy mô sản xuất hàng hoá tập trung, thuận lợi trong đầu tư cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện gia đình tôi và 7 hộ khác trong xã đã xây dựng được trang trại chăn nuôi có quy mô từ 8.000 con gà trở lên.