Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, song 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may vẫn đạt xấp xỉ 4,2 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị khoảng 2,4 tỷ USD, chiếm trên 57% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, tiếp đến là thị trường EU đạt 780 triệu USD, Nhật Bản đứng thứ ba với 360 triệu USD.
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sau nhiều tháng xem xét, đã khẳng định không đủ bằng chứng để tiến hành điều tra bán phá giá đối với mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là tín hiệu tốt đối với hoạt động xuất khẩu của ngành này thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu kim ngạch 5,3 tỷ USD trong nửa cuối năm, theo Chủ tịch Hiệp hội Lê Quốc Ân, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng, lãi suất vốn vay cao và những khó khăn về nguồn nhân lực trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
“Tuy thế, nếu xác định được một chiến lược kinh doanh đúng thì hàng dệt may vẫn có thể cạnh tranh tốt” ông Ân nói, “vì bên cạnh những thách thức, mặt hàng này hiện cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh tốt như đơn hàng rất nhiều, không có lo ngại về kiện chống bán phá giá”.
Ông Ân cũng lưu ý các doanh nghiệp cùng với việc tăng cường các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, mẫu mã mới để hạn chế tác động bởi các hoạt động giám sát của nước nhập khẩu; cần chủ động hơn trong việc mở rộng các thị trường khác, nhất là phát triển thị trường Trung Đông và châu Phi; nhanh chóng khắc phục những điểm yếu về trình độ quản lý và năng suất lao động.