“Trong một vài tháng tới, Vinamilk chưa có kế hoạch tăng giá để chia sẻ gánh nặng lạm phát với người tiêu dùng Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chắc chắn Vinamilk sẽ phải tăng giá chứ không còn cách nào khác” - bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk, khẳng định.
Từ đầu năm tới nay, sữa đã 3 lần tăng giá. Đợt gần đây nhất, một loạt các sản phẩm sữa đều tăng, trong đó sữa Anpha tăng 9-10%; Dumex tăng 8-9%; Cô gái Hà Lan 9-10%; Abbott tăng 13%... Trước đây, khi giá sữa tăng, các hãng đều viện dẫn do giá nguyên liệu tăng. Song, từ cuối năm ngoái, giá nguyên liệu vẫn ổn định trong khi thuế nhập khẩu sữa cũng giảm, vậy, tại sao giá sữa lại tăng?
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk, lý giải: “Trong tháng 5 và 6/2008, tỷ giá USD biến động, lãi suất cao; áp lực về chi phí trả lương cho nhân viên, vận chuyển… khiến nhiều doanh nghiệp “nhấp nhổm” như ngồi trên đống lửa, áp lực tăng giá là khó tránh khỏi”. Theo bà Hương, việc tăng giá sữa trên thị trường thực tế không đem lại lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất, bởi vì tăng giá sẽ tác động không tốt đến sản lượng tiêu thụ và thị phần của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh gay gắt.
Tuy vậy, các công ty sữa buộc phải tăng giá để giải quyết khó khăn do gánh nặng giá cả đầu vào, đặc biệt khi xăng dầu tăng giá, chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng cao, chi phí nhân công cũng phải được điều chỉnh để hỗ trợ họ trong tình hình lạm phát.
Thực tế, một số người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích dùng đồ ngoại chứ không mua sữa trong nước sản xuất. Họ cho rằng, sữa ngoại đắt tiền là tốt hơn, ví dụ như sữa bột, trên thực tế nguyên vật liệu sản xuất như nhau, thành phần bổ sung các vi chất dinh dưỡng theo tiêu chuẩn cho phép, sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, vì vậy, chất lượng không thua kém các sản phẩm sữa nhập khẩu.