Hiệu quả kinh tế cần gắn bó với môi trường

16:11, 17/08/2008

Xã Nam Tiến, Phổ Yên  hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất gạch, có thể khẳng định nghề sản xuất gạch nung thủ công đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều gia đình, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động địa phương.

Theo sự chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo xã Nam Tiến (Phổ Yên), chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất gạch nung thủ công của anh em Chu Văn Huy và Chu Văn Duy ở xóm Hộ Sơn. Cơ sở này hiện có 3 lò nung gạch thay phiên nhau đỏ lửa, công suất từ 10 đến 14 vạn viên/lò (mỗi năm 1 lò đốt khoảng từ 10 lượt trở lên). Chu Văn Duy nhẩm tính: Đất ở đây sản xuất gạch nung thủ công chất lượng khá tốt, do đó sản phẩm tiêu thụ nhanh. Mỗi lượt đốt lò, anh em tôi thu được từ 80% gạch loại 1 trở lên, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 12-15 triệu đồng/lò…

 

Để có đủ nguyên liệu sản xuất gạch, anh em Duy đã sử dụng hơn 6 mẫu đất giáp bờ sông Công của gia đình, khai thác hết đất sét đến đâu tiến hành hoàn thổ đến đó để sau này tiếp tục canh tác nông nghiệp. Cơ sở sản xuất gạch này tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40-50 lao động địa phương, nhất là vào những lúc nông nhàn, với thu nhập bình quân 1,3-1,4 triệu đồng/người/tháng. Anh em Duy hiện đang xây tiếp 2 lò đốt gạch…

 

Đồng chí Dương Đình Thìn, cán bộ Văn phòng UBND xã Nam Tiến cho biết: Toàn xã hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất gạch quy mô tương tự của anh em Chu Văn Duy, thậm chí có lò công suất tới 24 vạn viên/mẻ đốt. Có thể khẳng định nghề sản xuất gạch nung thủ công đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều gia đình, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động địa phương. Thu nhập từ làm thuê cho các chủ lò gạch góp phần giúp nhiều hộ nghèo trong xã có thêm nguồn thu nhập để vơi bớt khó khăn, ổn định đời sống. Nguồn thu ngân sách ở địa phương cũng có thêm một khoản đáng kể từ các cơ sở sản xuất gạch thủ công (mỗi tháng một lò nộp thuế từ 800 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng).

 

Được biết, trong những năm tới, xã Nam Tiến dự định tiếp tục phát triển nghề sản xuất gạch nung thủ công. Hiệu quả kinh tế đem lại thì đã được khẳng định từ các lò gạch hiện có, nhưng một vấn đề quan trọng đặt ra là chính quyền và nhân dân địa phương cần chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển nghề sản xuất gạch nung thủ công. Hiện nay, toàn xã mới có hơn 20 cơ sở sản xuất gạch thì còn bố trí được các lò ở xa khu dân cư khoảng 1km, chưa ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân và canh tác nông nghiệp. Nhưng nếu để các gia đình mạnh ai nấy làm trong những năm tới, số lò đốt gạch tăng lên mà không được bố trí đúng cách thì rất có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, theo chúng tôi, ngay từ bây giờ xã cần quy hoạch một vài khu vực riêng biệt để các hộ xây lò đốt gạch, đảm bảo không gây tác động xấu tới đời sống, sản xuất của các hộ dân xung quanh do khói, bụi. Có như vậy sau này mới tránh được tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"…