Sau hai năm thực hiện Đề án phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn giai đoạn 2006-2010, Đại Từ có 2.243 cơ sở ngành nghề, làng nghề, thu hút gần 4.000 lao động. Tuy nhiên, các ngành nghề, làng nghề chủ yếu là phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, việc định hướng và tìm hướng đi cho phát triển làng nghề, ngành nghề còn lúng túng…
Đi lên từ bàn tay trắng, trải qua những bước thăng trầm của nghề kinh doanh buôn bán gần 20 năm, nay là Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Thịnh Chiều (Hùng Sơn-Đại Từ), chị Lưu Thị Chiều tự đúc rút cho mình được những bài học kinh nghiệm để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự lớn mạnh, phát triển của doanh nghiệp. Vậy mà đứng trước lò sản xuất nguyên liệu gạch chịu lửa chị đầu tư xây dựng gần 300 triệu đồng, nhưng nay phải đứng trơ trơ cho mưa gió dập vùi vì không có nguyên liệu để sản xuất chị Chiều gần như bất lực và không khỏi xót xa: Lò được xây dựng theo hướng dẫn của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Tiền của dồn vào đó gần 2 năm nay nhưng lò chưa hoạt động được vì không có nguyên liệu là đất sét trắng. Doanh nghiệp đã đề nghị với các cấp, ngành chức năng xem xét, cấp mỏ khai thác đất sét ở xã Phú Lạc. Nhưng hiện nay chúng tôi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục và chưa tìm được hướng giải quyết…
Trên đây chúng tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ về sự khó khăn trong rất nhiều khó khăn mà bất cứ cá nhân hay tập thể nào ở nông thôn muốn đứng ra tạo lập, xây dựng và phát triển một ngành nghề nào đó thường gặp phải. Từ năm 2006, huyện Đại Từ đã xây dựng Đề án về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn giai đoạn 2006-2010 với đầy đủ các mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện.
Sau hai năm thực hiện Đề án, toàn huyện Đại Từ có 2.243 cơ sở ngành nghề, làng nghề, thu hút gần 4.000 lao động (năm 2006 có 1984 cơ sở) chủ yếu tập trung vào các nghề: sản xuất cây giống chè, cây giống lâm nghiệp, cây ăn qủa, sản xuất vật liệu xây dựng, thêu ren, mây tre đan… Tuy nhiên, các ngành nghề, làng nghề chủ yếu là phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dưới hình thức hộ gia đình, hiệu quả chưa cao, sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công, việc định hướng và tìm hướng đi cho phát triển làng nghề, ngành nghề còn lúng túng…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến phát triển ngành nghề mới; việc thu hút vốn, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cho phát triển ngành nghề, làng nghề trong nông thôn còn hạn chế. Một số sản phẩm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành và phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế như đường giao thông, hệ thống thông tin, dịch vụ kỹ thuật… chưa hoàn chỉnh. Việc nắm bắt thông tin của các cơ sở, chưa kịp thời, nhanh nhạy. Năng lực quản lý và khả năng tổ chức sản xuất của các cơ sở ngành nghề còn thấp, các hộ nông dân còn nặng về tư tưởng bao cấp, chưa có ý chí tự vươn lên trong thời kỳ kinh tế hội nhập quốc tế. Nhu cầu về vốn phục vụ cho phát triển ngành nghề, làng nghề chưa được đáp ứng, lãi suất cho vay còn cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định…Một loạt những khó khăn, tồn tại nêu trên sẽ là thách thức cho những năm tiếp theo đối với huyện Đại Từ để đạt được mục tiêu tăng 20% số cơ sở ngành nghề, làng nghề trong nông thôn so với năm 2005.
Những giải pháp cấp thiết đã được đặt ra: Huyện sẽ tập trung mạnh vào những vùng sản xuất thâm canh cao, đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha/năm; phát triên mạnh một số ngành nghề, làng nghề như sản xuất rau an toàn, chè an toàn, sản xuất hoa, cây cảnh; sản xuất nấm, miến dong, mỳ gạo…. Xây dựng quy hoạch tổng thể ngành nghề, làng nghề của huyện và của từng địa phương, làm cơ sở cho việc chỉ đạo phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, trên cơ sở khai thác và phát huy tối đã các điều kiện kinh tế-xã hội của từng vùng. Khôi phục làng nghề truyền thống như sản xuất miến dong ở xóm Bầu, xã Lục Ba; sản xuất mỳ gạo ở xóm Cầu Thông, xóm Bàn Cờ, xóm Gò xã Hùng Sơn. Mở rộng quy mô sản xxuất nấm tập trung theo hướng sản xuất gắn với chế biến tại các xã Văn Yên, Vạn Thọ, Bản Ngoại, Tân Thái, Lục Ba. Xây dựng mô hình và từng bước hình thành nghề sản xuất rau sạch, rau an toàn, nghề trồng hoa, cây cảnh tại xóm Đồng Cả, xóm Táo, xã Hùng Sơn…
Hàng năm, huyện tổ chức cho cán bộ, nông dân đầu mối đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các phòng, ban chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc tích cực hơn nữa, tham mưu kịp thời các giải pháp khả thi để thực hiện thành công Đề án...