Kiềm chế giá cước vận tải: Trách nhiệm không chỉ các doanh nghiệp

10:25, 19/08/2008

Từ đầu năm 2008 đến nay, qua 3 lần Nhà nước điều chỉnh giá xăng, dầu, trong đó 2 lần điều chỉnh tăng, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động có thu nhập thấp. Việc một số doanh nghiệp vận tải hành khách đang hoạt động trên địa bàn Thái Nguyên quyết định tăng giá vé xe khách và tắc xi để bù đắp phí trượt giá nguyên liệu đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Trước sự điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu của Nhà nước, chúng tôi đã có buổi khảo sát giá cước vận tải hành khách của các doanh nghiệp tham gia hoạt động trên địa bàn tỉnh. Địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm hiểu là Bến xe khách Thái Nguyên. Theo ông Trần Đình Trường, Giám đốc Bến xe, thì sau 2 đợt tăng giá xăng, dầu, đơn vị vẫn thực hiện nghiêm Quyết định 268/ QĐ-HĐND tỉnh năm 2007, không tăng giá thu lệ phí đỗ bến và các khoản phí khác. Còn đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách có đăng ký hoạt động với đơn vị, trong đợt tăng giá xăng, dầu đầu năm, đã có 57 doanh nghiệp tăng giá cước từ 5-15%, nhưng sau đợt tăng giá nguyên liệu từ ngày 21-7-2008 đến nay, chỉ có 6 doanh nghiệp ngoại tỉnh trên 6 tuyến vận tải hành khách tăng giá cước vận tải lên dưới 15%. Cụ thể: Tuyến Thái Nguyên (TN)-Hải Phòng, trước ngày 21-7, giá cước 60.000 đồng/vé/lượt, thì đến đầu tháng 8-2008, tăng lên 65.000 đồng/vé/lượt; tuyến TN-Thanh Hoá, từ 75.000 đồng/vé/lượt tăng lên 80.000 đồng; tuyến TN-Bắc Ninh từ 25.000 đồng/vé/lượt tăng lên 28.000 đồng...

 

Điều đáng ghi nhận là hầu hết các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và dân doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đều giữ nguyên giá vé. Họ chấp nhận giảm lãi, bù giá để thu hút khách. Như vậy, điều đầu tiên ngươì dân Thái Nguyên đánh giá cao các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế giá cước trong thời điểm bão giá nhiên liệu.

 

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt và tắc xi, theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu tháng 8-2008, các tuyến xe buýt và hãng tắc xi đã đồng loạt tăng giá cước từ 10- trên 20% so với trước ngày 21-7-2008: Các tuyến xe buýt TN-Sông Công, TN- Đình Cả, Gang thép – Yên Lãng...đồng loạt tăng 1.000 đồng/người/chặng, đơn cử: Tuyến xe buýt Đồng Hỷ-Thị xã Sông Công, trước 21-7-2008 có giá cước 9.000 đồng/vé, được chia làm 3 chặng, nay tăng thêm 3.000 đồng/vé, đạt mức tăng trên 30%; các hãng tắc xi tăng giá từ 12-18.000 đồng cho km đầu tiên, hoặc  35-45.000 đồng cho 3 km đầu tiên (giá tăng còn phụ thuộc vào chủng loại xe). Chính vì những bất cập trong việc tăng giá cước vận tải của một số doanh nghiệp đã dẫn tới hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải hành khách, gây ra hiện tượng mâu thuẫn giữa lái, phụ xe với hành khách, tranh giành khách, vi phạm trật tự an toàn giao thông đô thị...

 

Tuy nhiên, theo các đồng chí lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải Thái Nguyên: Hiện nay, theo quy định các doanh nghiệp vận tải được tự kê khai giá cước vận chuyển. Giá thành vận tải tăng, các đơn vị có quyền kê khai giá cước mới theo mẫu hồ sơ có sẵn và gửi Cục thuế, Sở Tài chính, Sở Giao thông-Vận tải báo cáo, đề nghị xem xét. Sau 3 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, dù Cục thuế chưa có ý kiến thì mặc nhiên doanh nghiệp được áp dụng giá cước mới, trường hợp cơ quan thuế có ý kiến thì xem xét sau. Có thể nói, cơ chế giá hiện hành rất linh động, nhưng theo Ông Nguyễn Năng Nguyên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Thái Nguyên, việc các doanh nghiệp tự tăng giá cước vận tải trong tình trạng cạnh tranh khốc liệt hiện nay được ví như con dao 2 lưỡi. Nếu tăng giá để thu lợi trước mắt, các doanh nghiệp sẽ gánh chịu hậu quả giảm chuyến do mất khách. Chính vì vậy, cùng với việc Nhà nước điều chỉnh giá xăng, dầu giảm 1.000đồng/lít từ 10 giờ sáng, ngày 14-8-2008 không chỉ là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp vận tải mà còn đem lại sự phấn khởi cho nhiều người có thu nhập thấp, tuy nhiên, sau 4 ngày xăng, dầu giảm giá, vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào giảm giá cước vận chuyển!

 

 Theo một số nhà quản lý, hiện các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đang trong giai đoạn “thăm dò” thị trường. Chắc chắn trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp nào tăng giá cước bất hợp lý sẽ phải tự điều chỉnh nếu không muốn mất khách, dẫn tới thua lỗ. Được biết, trước biến động khó lường của giá xăng, dầu, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn với những khách hàng có thu nhập thấp bằng cách giảm lãi, bù lỗ, góp phần bình ổn giá, bên cạnh đó các doanh nghiệp này cũng muốn gửi bức thông điệp: “ Người dân hãy tiết kiệm cho gia đình và doanh nghiệp bằng hành động sử dụng các phương tiện vận tải công cộng- việc giảm giá cước vận tải, trách nhiệm không chỉ ở các doanh nghiệp”...