Lãi suất huy động: Chưa thể giảm mạnh

13:53, 08/08/2008

Dù còn quan điểm khác nhau, nhưng việc điều chỉnh hạ lãi suất (LS) huy động chắc sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong hệ thống ngân hàng (NH) trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc cắt giảm LS tiền gửi VND lần này không hẳn xuất phát từ nguyên nhân dư cung vốn. Vì vậy, LS tiền gửi VND chưa thể giảm mạnh.

Chiều 6/8, các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tại TP.HCM đã đồng thuận giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, khác mọi lần, sự đồng thuận này chỉ có tính nguyên tắc chứ không có mức “trần” như mọi khi. Nhiều NH cho biết sẽ lên kế hoạch cắt giảm LS. Các NH tại Hà Nội chưa họp bàn đồng thuận. Tuy nhiên, không cần đợi đến buổi làm việc của VNBA, từ nửa cuối tháng 7 đến nay, nhiều NH đã điều chỉnh giảm nhẹ LS kinh doanh cả VND và USD. 

 

Giảm lãi suất USD do dư cung

 

Nguyên nhân giảm LS của VND và USD trước hết về vĩ mô: các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhất là trong vấn đề giảm nhập siêu, giảm tốc độ tăng CPI, giữ ổn định tỷ giá… Về thị trường tiền tệ: Hệ thống NH đã tạm thời vượt qua được thời kỳ căng thẳng về nguồn vốn, khả năng thanh khoản của một vài  NHTM Nhà nước và NHTMCP quy mô nhỏ đã được cải thiện rõ rệt so trước đây, mức tăng cung tín dụng tiếp tục bị hạn chế.

 

Việc giảm LS kinh doanh USD là do nguồn cung vốn USD đã dồi dào do giảm nhập siêu, do nguồn tiền gửi ngoại tệ từ tổ chức và cá nhân tăng mạnh (tháng 7/2008, số dư tiền gửi ngoại tệ của hệ thống tăng 4,31%, trong khi số dư tiền gửi VND chỉ tăng 0,81%).

 

Đã có dấu hiệu dư thừa vốn ngoại tệ tại một số NH. Nhiều NH đã có đề nghị  NHNN cho phép  mở rộng đối tượng vay ngoại tệ để giải quyết tình hình thừa vốn ngoại tệ của các NH và hỗ trợ các DN xuất khẩu.  Đến ngày hôm qua 7/8/2008, mức LS tiền gửi USD phổ biến của khối  NHTM Nhà nước đã giảm nhẹ từ 0,1-0,25%/năm. LS cho vay USD cao nhất giảm 2%/năm so với các mức LS tương ứng cuối tháng 7/2008. Tuy nhiên, hiện mặt bằng LS kinh doanh USD ở Việt Nam vẫn còn rất cao so mặt bằng LS USD thế giới. Kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng vẫn ở mức từ 6,2%-7,6%/năm. Nhiều khả năng, LS kinh doanh USD sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

Giảm lãi suất: Vì tăng cũng không hút được vốn

 

Việc giảm LS VND lại chưa thực sự bắt nguồn từ việc dư cung vốn. Hầu hết các NH đều cho biết vẫn khó khăn trong việc thu hút tiền gửi VND. Việc cạnh tranh thu hút tiền gửi VND vẫn diễn ra gay gắt. Tình hình cho thấy, nguồn VND thực sự nhàn rỗi từ lưu thông vào NH rất ít, chủ yếu vẫn là sự chuyển dịch vốn VND trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Vì vậy, vẫn diễn ra tình hình nguồn tiền gửi VND tăng/giảm ở mỗi NH tuỳ mặt bằng LS NH đó áp dụng. Một số NH cho biết trong 2 tuần qua nguồn tiền gửi VND còn giảm mạnh.

 

Đây chính là lý do mà nhiều NHTM ở Hà Nội vẫn có quan điểm nên giữ tương đối ổn định mức LS như hiện nay để tránh tác động đến tâm lý người gửi tiền. Tuần cuối tháng 7/2008, tỷ lệ giảm LS tiền gửi VND  khá rõ rệt, nhất là ở các mức cao nhất đã áp dụng trước đây, nhưng tuần đầu tháng 8, trừ  kỳ hạn từ 36 tháng trở lên giảm tới 2%/năm, còn các mức lãi suất khác vẫn giữ nguyên.

 

Tuần tới, do tác động của thông tin các NH phía Nam đồng thuận giảm LS, nhiều NH sẽ cân nhắc khả năng  tiếp tục điều chỉnh giảm LS tiền gửi VND. Tuy nhiên, sẽ không có sự giảm mạnh tất cả các kỳ hạn. Tiền gửi không kỳ hạn, kỳ hạn tuần, tháng đến 6 tháng chỉ giảm rất nhẹ. Mức LS cao nhất vẫn sẽ xoay quanh mức trên 18%/năm.

 

Nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm LS VND hiện nay:  trước hết là để giảm chi phí vốn. Theo một số NH, có để mức LS tiền gửi cao ở các kỳ hạn này cũng hầu như không thu hút được tiền gửi, bên cạnh đó dự báo chỉ số CPI những tháng tới đây có xu hướng giảm tốc độ tăng do giá lương thực đang giảm mạnh; các NH đang hạn chế tăng dư nợ, tích cực thu hồi nợ vì lo ngại nợ xấu gia tăng nên nhu cầu vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng từ giờ đến cuối năm không cao; các NH đã thực sự yên tâm về cam kết hỗ trợ khả năng thanh khoản của NHNN nên không quá lo lắng về việc phải tăng trưởng nguồn vốn bằng mọi giá.

 

Bên cạnh đó việc điều chỉnh giảm LS đã trở thành xu hướng chung nên các NH cũng bớt e ngại sự cạnh tranh giành khách hàng gay gắt. Việc giảm  lãi suất cho vay VND có diễn ra đồng loạt hay không có lẽ còn phụ thuộc vào tình hình thu hút vốn trong một thời gian nữa. Một số lãnh đạo NH cho biết nhiều DN hiện không ngại LS vay NH mà lo NH không có vốn cho vay.