Thị trường hàng hóa và dịch vụ phục vụ ngày lễ "xá tội vong nhân" tại Hà Nội năm nay kém sôi động hơn, phần nhiều vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong thời buổi lạm phát.
Phố Hàng Mã vốn là địa điểm quen thuộc cho người dân mua sắm đồ cõi âm, nhưng năm nay, nhiều cửa hàng rơi vào cảnh ế ẩm. Lượng hàng bán ra giảm gần một nửa, dù họ hạn chế nhập về.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 13/7 âm lịch hàng năm, cả phố đều nhộn nhịp đông đúc. Khách thường sắm đồ cúng tổ tiên trước vài ngày để đúng ngày rằm, tạo điều kiện cho các "vong hồn" có đủ lộ phí và quần áo để du ngoạn. Vì theo quan niệm dân gian, đúng ngày rằm tháng 7, các "âm hồn" sẽ được tự do trở lại cõi trần một ngày.
Tuy nhiên, năm nay, lượng người mua không nhiều. Chủ cửa hàng 3B trên phố Hàng Mã cho biết vào ngày 14 tháng 7 năm ngoái, hàng của nhà chị không còn nhiều như thế này.
Một người bán hàng lâu năm ở đây cho biết thêm thường thì họ lấy hàng từ làng Hồ (Bắc Ninh), nhưng năm nay, một số gia đình làm nghề truyền thống đã chuyển sang nghề khác do giá giấy đắt đỏ, lời lãi chẳng đáng là bao.
Theo chủ hàng Quỳnh Trang trên phố Hàng Mã, với hàng đắt tiền, đa số các cửa hàng chỉ nhận làm một lượng vừa phải khi có khách đặt, chứ không làm sẵn như mọi năm, sợ không tiêu thụ hết. Khách có nhu cầu mua trọn bộ lễ vật "cao cấp" dâng âm phủ, có giá 1-2 triệu đồng, chủ yếu là những gia đình giàu có. Xe ga, ôtô, nhà cao tầng... có giá 100.000 - 150.000 đồng mỗi chiếc, nhưng ít người hỏi mua.
Những mặt hàng quen thuộc như tiền, vàng, đôla, quần áo... bán chạy nhất, do giá dễ chịu, chỉ 3.000 - 5.000 đồng. Một số gia chủ, cho đủ bộ theo lời thầy cúng thì mua thêm bộ thần linh, thần tài, cho các vị quan văn bá võ... Tổng cộng chỉ hết khoảng 30.000 - 50.000 đồng.
So với năm trước, giá nhiều mặt hàng âm phủ này đã tăng trung bình 5 - 10%, do đó sức mua càng giảm. Giá nhiều loại xe máy, ô tô, nhà cao tầng đã tăng 20.000 đồng. Mặt hàng nào đòi hỏi sự khéo léo, cầu kỳ có thể tăng tới 50.000 đồng so với trước.
Mấy chị bán phỏng ngô, bánh quế... từ Đông Anh (huyện ngoại thành Hà Nội) và Hưng Yên (một tỉnh giáp Hà Nội) cũng lo ế ẩm không đủ tiền tàu xe về quê. Một chị bán vàng mã rong ruổi trên khu phố cổ than mấy hôm trước không kịp chạy mưa nên hàng bị ẩm mốc, sợ khách chê không đốt được.
Trong lễ cúng rằm, ngoài vàng mã, bỏng ngô, bánh quế, gia chủ còn chuẩn bị chút trái cây, khoai, cháo và hoa quả cúng chúng sinh. Không ít gia đình còn làm cỗ mặn. Giá một số mặt hàng thực phẩm, trái cây phục vụ ngày rằm tại các chợ và siêu thị đã tăng 5 - 20%.
Tăng mạnh nhất là các loại trái cây nhập khẩu. Tại siêu thị Hapro, Metro... cam Nam Phi, từ 20.800 đồng mỗi kg, đã lên 35.000 đồng, táo New Zealand được bán 45.000 đồng mỗi kg, giá cũ là 36.000 đồng. Trái cây nội như cam sành Tiền Giang loại ngon tại chợ Ngã Tư Sở, Hàng Da, Ngọc Hà...cũng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng, lên mức 28.000 - 30.000 đồng một kg từ hơn một tuần nay.
Thực phẩm như thịt lợn, cá, thịt gà... tại một số chợ vẫn không đắt hàng hơn so với ngày thường. Thịt gà ta vốn được ưa chuộng trong dịp lễ tết nhưng tại một số chợ, đến tận trưa nay, hàng vẫn còn nhiều.
Giá cả đắt đỏ, nhiều gia đình càng thắt chặt chi tiêu. Hương vị ngày rằm tháng 7 tuy đạm bạc, nhưng cũng không kém phần linh thiêng và ấm cúng. Bà Nguyễn Thị Yến ở ngõ 72 Nguyễn Trãi cho biết chỉ mua một bộ quần áo, hài cho ông bà và chút tiền âm phủ. Trên bàn thờ tổ tiên, bà cũng chỉ cúng xôi, và một ít thịt lợn. Còn với những cô hồn, bà cúng cháo hoa, rắc muối ra ngõ, ít gạo, hoa quả... Bà nói: "Lễ Vu Lan là để con cháu tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, nên thành tâm là chính".
Hàng năm vào dịp này, nhiều gia đình thường tụ họp về quê hay đi lễ chùa chiền. Nhưng năm nay, phần vì rằm tháng bảy không trùng vào ngày nghỉ, lượng khách đổ về các khu đền chùa, thăm viếng cũng giảm hẳn so với những năm trước.
Công ty lữ hành Hà Nội Tourist cho biết, lượng khách thuê xe đã ngót gần một nửa so với thời điểm này năm ngoái. Giá thuê xe đã tăng trung bình 20% sau khi xăng tăng giá chưa đầy một tuần. Tại Hãng này, xe 16 chỗ thuê trọn gói cũng tới 1,8 triệu đồng chiều Hà Nội - Đền Trần (