Lộn xộn thị trường gas

14:36, 20/08/2008

Gas đang trở nên phổ biến đối với mỗi hộ gia đình, nhất là đối với các gia đình sống ở thành thị. Vì thế, nhu cầu sử dụng gas thời gian qua đã tăng nhanh, bình quân tăng 25-30%/năm. Cũng chính thị trường gas phát triển như vậy, mà việc quản lý, kiểm soát dường như không theo kịp. Do đó, thị trường gas đã và đang có những dấu hiệu lộn xộn, vì một số cơ sở kinh doanh, sang chiết gas có biểu hiện gian lận để trục lợi.

Hiện, trên địa bàn Thái Nguyên có khoảng 240 cơ sở kinh doanh gas, nhưng chỉ có duy nhất hai cơ sở được phép sang, chiết gas. Do nhu cầu sử dụng gas tăng cao, một số cơ sở kinh doanh gas đã có biểu hiện gian lận thương mại, như sang, chiết gas lậu, gas nhái nhãn mác, đóng gas thiếu, mất an toàn tung ra thị trường. Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Để phát hiện được cơ sở sang chiết gas lậu rất khó khăn, vì chúng bố trí người canh gác rất nghiêm ngặt, khi phát hiện cơ quan chuyên môn kiểm tra, kiểm soát lập tức chúng báo về cơ sở tẩu tán tang vật. Trừ khi, cơ sở đó để xảy ra cháy nổ, lực lượng chuyên môn vào cuộc, điều tra mới có thể phát hiện được. Vừa rồi, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng cơ động quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Thăng Long gas, ở tổ 10, phường Tân Lập - T.P Thái Nguyên đã vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và hoạt động thương mại. Tại đây, cơ quan chuyên môn đã phát hiện nhiều vỏ bình gas của hầu hết các hãng gas có thương hiệu trên thị trường như: Shell, Total, Petrolimex… đang chờ để được sang chiết. Chi cục đã đề xuất UBND tỉnh tịch thu 75 bình khí gas hóa lỏng giả mạo nhãn hiệu Petrolimex, buộc loại bỏ yếu tố giả mạo trên nhãn của 34 bình khí gas hóa lỏng nhãn hiệu Petrolimex gas giả mạo nhãn hàng hóa của Trạm LPG Thái Nguyên… và đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính trên 50 triệu đồng đối với những sai phạm trên".

 

T.P Thái Nguyên được đánh giá là địa bàn tiêu thụ gas lớn và là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, sang chiết gas nhất. Cũng vì thế, thị trường tiêu thụ gas ở địa bàn này đã có biểu hiện lộn xộn, một số cơ sở kinh doanh gas bộc lộ gian lận thương mại. Đồng chí Tạ Đình Dũng, Đội phó Đội quản lý thị trường T.P cho biết: "Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn T.P có 46 cơ sở kinh doanh gas. Những sai phạm mà các cơ sở thường lợi dụng là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có niêm phong hoặc niêm phong không chuẩn để trục lợi. Từ tháng 8 năm 2007 đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas, trong đó có 5 vụ vi phạm nhãn mác hàng hóa, 1 vụ không đủ điều kiện kinh doanh gas".

 

Những sai phạm trong việc kinh doanh gas khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại. Đồng chí Nguyễn Thanh Khương, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái - một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và gas trên địa bàn tỉnh cho biết: "Điều đáng ngại là trong số những bình gas thất thoát có nhiều bình đã hết niên hạn sử dụng hoặc đến hạn tái kiểm định, nguy cơ mất an toàn rất cao. Theo quy định, mỗi bình gas 5 năm sẽ phải kiểm định một lần để bảo đảm độ an toàn. Tính sơ bộ, một bình gas loại 12, 13 kg được sang chiết trái phép sẽ thu lợi ít nhất từ 50.000 đồng trở lên. Không những vậy, khi xảy ra sự cố khó có thể quy trách nhiệm cho ai, bởi khi bình gas đã bị người tiêu dùng giật màng co ra để sử dụng thì sẽ không thể xác định được thật hay giả".

 

Không phải đến giờ thị trường gas mới bộ lộ những lộn xộn, khó quản lý, kiểm soát. Nhưng với thực trạng nhu cầu tiêu dùng tăng, khả năng sản xuất trong nước lại chưa đáp ứng được, thị trường gas sẽ còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, về vấn đề quản lý, kiểm soát cũng chặt chẽ hơn nếu người tiêu dùng quan tâm hơn đến bình gas mình sử dụng, nên mua sản phẩm gas có nhãn hàng hóa đầy đủ, ghi rõ nguồn gốc, còn nguyên niêm phong và cần đề nghị cơ sở bán gas cấp bảo hiểm khi sử dụng gas.