Người dân chưa hết nỗi lo

17:13, 01/08/2008

Đến thời điểm này, Dự án chăn nuôi bò sữa của huyện Phổ Yên đã phá sản được gần 2 năm nhưng hậu quả của nó để lại là người dân thành con nợ, ngân hàng gánh món nợ lớn khó đòi. Chưa dừng lại ở đó, hiện tại dư âm của Dự án vẫn khiến cuộc sống của gần 70 hộ dân tham gia dự án lao đao, đẩy họ lâm vào cảnh tiền mất, nợ mang...

Từ năm 2003, Dự án chăn nuôi bò sữa được huyện Phổ Yên triển khai khá rầm rộ với sự tham gia nhiệt tình của người dân. Con bò sữa được mọi người ca tụng bằng những mỹ từ như ‘’con làm giàu’’, ‘’con xoá đói giảm nghèo’’, ‘’con đổi đời’’… Chỉ trong vòng 3 năm (2003-2005) toàn huyện đã nhập về 136 con bò sữa với giá trung bình 9 đến 10 triệu đồng/con cho gần 90 hộ dân của 9 xã, thị trấn (Đồng Tiến, Hồng Tiến, Tân Phú, Tân Hương, Đông Cao, Bắc Sơn, Thuận Thành, Minh Đức, Phúc Thuận) tham gia chăn nuôi. Những hộ tham gia Dự án này được hỗ trợ tiền mua con giống 3 triệu đồng/con, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò sữa. Thậm chí, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn của Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện để tham gia Dự án với định mức 10 triệu đồng/con (năm 2003) và 7 triệu đồng/con (năm 2004-2005). Gần 90 hộ dân tham gia Dự án này đã vay gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách- Xã hội huyện Phổ Yên, lãi suất 0,5%/tháng, thời gian vay là 3 năm. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các hộ dân trồng được gần 200 ha cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Tháng 1-2006, từ 136 con bò sữa được nhập về toàn huyện đã phát triển đàn bò sữa lên 254 con nhưng cuối năm 2006, Dự án đã phá sản. Nguyên nhân thất bại được xác định là do các hộ dân còn hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, giá thức ăn đắt đỏ, chất lượng giống phập phù, môi trường tự nhiên không phù hợp, giá sữa tươi lại bèo bọt khiến người chăn nuôi bị kẹt giữa 2 gọng kìm: đầu vào (giá thức ăn, con giống...) và đầu ra (giá thu mua sữa). Từ thực tế trên, lại thêm thời hạn thanh toán nợ với ngân hàng đang đến gần do tâm lý nhiều người dân vội vàng "bán tống, bán tháo" bò sữa đi với giá rẻ chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng/con. Từ năm 2007, huyện Phổ Yên thực hiện chuyển hướng từ dự án bò sữa sang dự án bò thịt - bò sữa.
Tuy nhiên, Dự án thì có thể chuyển hướng nhưng khoản nợ của các hộ dân thì hầu như vẫn còn nguyên đó. Đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến gia đình chị Lâm Thị Lý, xóm Bãi Hu, xã Phúc Thuận. Dẫn chúng tôi ra xem 1 ha cỏ voi tươi tốt nhưng bên cạnh là dãy chuồng trại trống không, chị Lý cho biết: “Năm 2004, gia đình tôi vay 14 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách- Xã hội để đầu tư mua 2 con bò sữa 15-16 tháng tuổi về nuôi với giá gần 10 triệu đồng/con. Cùng với đó, gia đình vay mượn thêm anh em, bạn bè được gần 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, mua thức ăn. Sau gần 2 năm chăm sóc, 1 con bị chết do bệnh, còn 1 con không thấy sinh sản và cho khai thác sữa nên tôi mới bán đi với giá 1,5 triệu đồng theo giá bò thịt. Bây giờ, tôi đang chuyển sang nuôi 1 con hươu để trả nợ tiền mua bò”. Còn gia đình chị Phạm Thị Phượng, cùng ở xóm Bãi Hu cho hay: Khi được cầm 7 triệu đồng vay từ Quỹ giải quyết việc làm của Ngân hàng, tôi nghĩ biết đâu đây là cuộc đổi đời. Từ số tiền trên, tôi mua 1 con bò sữa trị giá 9 triệu đồng rồi cũng phải đầu tư đầy đủ các điều kiện để nuôi bò cho tốt. Nhưng sau khi chăn nuôi được gần 2 năm, bò không sinh sản tôi đành phải bán với giá 3 triệu đồng cho… lò mổ. Khoản nợ trên tôi chưa biết lấy tiền đâu để trả vì cuộc sống của gia đình với 4 nhân khẩu (trong đó 2 đứa con vẫn đang trong độ tuổi đi học) hiện vẫn trông cả vào 6 sào chè. Chị Phượng tính, mỗi năm chị thu hái 6 lứa chè, với diện tích trên mỗi lứa thu được 1 tạ chè khô bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg thì 1 năm chị thu nhập từ chè được 18 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chị lãi 9 triệu đồng/năm. Mọi sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền này. Với thực tế thu nhập như vậy, gia đình chị không có khả năng trả nợ ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, xóm Bãi Hu (Phúc Thuận) tâm sự: Khi Dự án chăn nuôi bò sữa được triển khai tại địa phương, ai cũng mong Dự án đạt hiệu quả tốt. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà Dự án chưa phát huy được thế mạnh của mình và rơi vào bế tắc. Đầu tư cho con bò sữa, dân thiệt hại lớn về kinh tế. Chúng tôi không kêu ca, phàn nàn, với món nợ còn treo tại Ngân hàng, người dân chúng tôi mong Nhà nước xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ đưa ra những chủ trương hoặc phương thức trả dần nào đó phù hợp để dân đỡ thiệt thòi, không để chúng tôi lâm vào cảnh đã nghèo lại càng nghèo hơn”.

Anh Nguyễn Quang Thịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách- xã hội huyện cho biết: Số tiền gần 1 tỷ đồng cho các hộ dân vay thực hiện dự án trên, ngân hàng mới thu hồi được 189 triệu đồng, tổng dư nợ đến ngày 28-7-2008 là 728 triệu đồng, trong đó dư nợ đã được cho gia hạn nợ là 259 triệu đồng, số còn lại đến hạn cuối năm 2008. Nhưng theo đánh giá của chúng tôi thì khoản tiền 728 triệu đồng này khó có khả năng thu hồi nợ. Chúng tôi đã đến làm việc với các xã tham gia dự án để đôn đốc, thu hồi nợ nhưng với tình hình này rất khó thu hồi được. Phần lớn người dân trông chờ vào việc thực hiện xử lý miễn, giảm lãi, xoá nợ của Ngân hàng theo Quyết định số 55 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH TW về quy chế xử lý nợ rủi ro cho các đối tượng vay vốn. Theo Quyết định, những hộ gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan (chăn nuôi bị dịch bệnh, dự án không phát huy hiệu quả) thì có thể được xem xét miễn hoặc giảm lãi. Tuy nhiên, nếu các hộ dân không trả nợ thì Ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng về tài chính. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các phòng ban chuyên môn giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngân hàng thu hồi nợ.

Có thể nói, việc đưa Dự án vào thực hiện ở địa phương là một trong những chủ trương đúng hướng của tỉnh. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về kiến thức trong chăn nuôi trang trại, trang bị kiến thức quản lý và khoa học kỹ thuật cho cán bộ và người chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò sữa nói riêng. Do nhiều nguyên nhân mà Dự án chưa phát huy được hiệu quả trên đất Phổ Yên, để giúp người dân bớt âu lo, bà Trần Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đồng thời là Phó Ban chỉ đạo thường trực Dự án bò sữa của huyện kiến nghị: Để các dự án tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn được triển khai thuận lợi, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ các hộ dân đã đi theo dự án chăn nuôi bò sữa, đồng thời có chủ trương khoanh nợ lại (không bắt người dân chịu lãi), giãn nợ đối với khoản vốn vay để người dân đầu tư có điều kiện khôi phục, đầu tư sang chăn nuôi con vật khác và hoàn trả lại vốn cho Ngân hàng…