Xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thế nên, thời gian gần đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phổ Yên đã nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này.
Tiếp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Hoàn, Chủ tịch UBND huyện không giấu được niềm vui: Huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, đầu mối quan trọng là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với chủ trương chung, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Việc giải phóng mặt bằng phải được tiến hành nhanh gọn, hợp tình hợp lý. Nòng cốt trong công tác này là lấy tinh thần tiên phong gương mẫu của từng đảng viên, của từng cấp uỷ, chính quyền cơ sở các xã, thị trấn… vận động để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ. Vì thế, có nhiều dự án, công trình được đầu tư rất nhanh, cá biệt có những dự án trong vòng chưa đầy một tuần đã giải phóng xong mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư. Cũng từ đó, Phổ Yên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. Hiện nay có 18 tập đoàn, doanh nghiệp, công ty đầu tư vào huyện, với tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng. Qua việc thu hút được đầu tư, đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển rõ nét. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt trên 443 tỷ đồng, tăng trên 90% so với cùng kỳ.
Mở rộng thu hút đầu tư đã góp phần để Phổ Yên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ làm nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Hiện nay, các dự án, nhà máy trên địa bàn huyện đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Riêng từ đầu năm 2008 đến nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo việc làm mới cho trên 1.100 lao động. Điều mà Đảng bộ, chính quyền Phổ Yên băn khoăn nhất là chất lượng lao động. Phần lớn những lao động đang tham gia sản xuất ở các cơ sở công nghiệp họ đều xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp nên chưa có trình độ chuyên môn cao, nhiều người cũng chỉ được tham gia vào các công việc đơn thuần như bảo vệ, bốc vác… Đặc biệt, ý thức của người lao động về sản xuất công nghiệp chưa chuyển biến, nhiều người còn đi làm không đúng giờ, nghỉ việc tự do…
Gần đây nhất, huyện đã hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng, để tỉnh trao giấy phép đầu tư cho Tập đoàn VINAZUKI sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô từ 4 chỗ đến 46 chỗ ngồi. Đây là dự án rất lớn, với quy mô 45ha, được xây dựng ở Khu công nghiệp phía Nam của huyện, với giá trị đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ngay sau khi được cấp giấy phép đầu tư, Tập đoàn này nhận thấy Phổ Yên là mảnh đất có nhiều ưu điểm, thuận lợi để đầu tư sản xuất, vì thế Tập đoàn lập tức ký thoả thuận với huyện sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào khu vực phía Tây của huyện, với diện tích 400ha, để xây dựng hạ tầng cơ sở công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất. Dự án này thành công, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho các xã miền núi của huyện...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, từ đầu năm đến nay còn nhiều nhà đầu tư khác đã cam kết đầu tư vào huyện, như: Dự án Khu công nghiệp cụm cảng Đa Phúc, với diện tích gần 100ha; dự án lắp ráp phụ tùng ô tô Xuân Kiên 50ha; Khu công nghệ cao 300ha; Công ty ô tô 25-8… Đặc biệt là Dự án đầu tư của Tập đoàn Lệ Trạch - Đài Loan. Tập đoàn này có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp. Tập đoàn đã đầu tư sản xuất ở nhiều nước trên thế giới, khi đến Việt Nam, Tập đoàn cũng đã đi tìm hiểu điều kiện đầu tư ở nhiều địa phương khác, song họ đã quyết định đầu tư vào Phổ Yên. Theo dự kiến, Tập đoàn Lệ Trạch sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp tại Khu công nghiệp phía Nam của huyện, với diện tích 300ha. Khi hoàn thiện, Tập đoàn kêu gọi khoảng 50 doanh nghiệp của Đài Loan chuyên sản xuất thiết bị và dụng cụ điện tử cao cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất tại đây, với tổng giá trị đầu tư cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư, thì huyện liên tục sát cánh cùng các doanh nghiệp đã đầu tư vào huyện những năm trước đây cùng bàn và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà họ gặp phải. Đặc biệt từ đầu năm nay, khi thị trường có nhiều biến động về giá cả, khó khăn về vốn đã gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp, thì các đồng chí lãnh đạo huyện đã tích cực đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh, lắng nghe những kiến nghị của các doanh nghiệp, giải quyết từng phần việc cụ thể trong khuôn khổ cho phép, như đất đai, hành lang giao thông, công tác an ninh… Do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm nâng cao, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước như: Nhà máy MANI của Nhật Bản, Nhà máy sản xuất gạch, Công ty giấy Trường Xuân, Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yển...
Với những bước đi vững chắc, mảnh đất cửa ngõ Phổ Yên đang đổi mới từng ngày, khẳng định là điểm đến tin cậy của nhiều doanh nghiệp.