Đầu năm 1962, Thị xã Thái Nguyên mới có vài chục cơ sở, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chuyên khai thác than, gia công cơ khí, nghề mộc, nghề may với vỏn vẹn gần 40 máy móc, bao gồm: 5 máy nổ, 4 máy phát điện, 14 mô tơ, 6 máy tiện, 3 máy khoan, 2 máy hàn và 3 máy cưa.
Nhưng đến nay, trên địa bàn T.P đã có trên 1.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hợp tác xã phi nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh địa phương tăng bình quân 24,3%; công nghiệp ngoài quốc doanh tăng tới 34,6%/năm.
Qua các trang tư liệu lịch sử Đảng bộ T.P Thái Nguyên cho thấy, sau gần 20 năm kể từ khi cuộc Tổng khởi Tháng Tám năm1945 ở thị xã Thái Nguyên giành thắng lợi, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân thấp kém do hậu quả của chiến tranh. Chính vì vậy, thời kỳ này ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của địa phương phát triển chậm, chưa đồng bộ.
Đầu thập kỷ 60, cùng với sự ra đời của Khu công nghiệp Gang thép và trước thực tế yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, ngày 19-10-1962, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập T.P Thái Nguyên. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho Đảng bộ và nhân dân Thành phố, đặc biệt là cơ hội phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này, với phong trào thi đua cùng các tỉnh vùng Duyên hải, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp non trẻ của T.P Thái Nguyên đã đẩy mạnh phong trào cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật, nhờ đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng lớn, nhiều mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân được nâng lên cả về chủng loại, số lượng và chất lượng…
63 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đến nay trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có trên 1.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hợp tác xã phi nông nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 24,3%- 34,6%/năm, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã chiếm tỷ trọng gần 95% trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Riêng năm 2007, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2006. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của khối ngoài quốc doanh đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng trên 60% so với năm 2006. 7 tháng đầu năm 2008, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh đã đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2007. Ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Thành phố đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 15.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1,4 triệu đồng/người/tháng, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho người lao động và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Có thể nói, qua hơn một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở T.P Thái Nguyên đã có bước tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường còn thấp. Nhiều cơ sở sản xuất chưa được quy hoạch tập trung, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước… Để khắc phục những hạn chế trên và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhanh, bền vững, T.P Thái Nguyên đã và đang triển khai thực hiện các đề án: Đề án quy hoạch cụm công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2007-2010; Đề án phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch giai đoạn 2007-2010…Đồng thời tiếp tục hoàn thiện một số đề án phát triển hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, phát triển dịch vụ công… Nhằm tạo bước đột phá, mang lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp T.P Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập.