Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Đảng bộ xã Hồng Tiến (Phổ Yên), Hội Nông dân xã với trên 1.000 hội viên, nông dân đã xây dựng kế hoạch hoạt động theo 3 phong trào và 4 chương trình triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên.
Trong đó, phong trào “Hội viên, nông dân tham gia ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao” đã thu hút 100% hội viên, nông dân tham gia.
Hội cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức mở các lớp tập huấn cho các hộ dân nhằm chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình trình diễn, ô mẫu thâm canh các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Bước đầu, các mô hình thâm canh này đã đạt hiệu quả cao trên 1 đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng xóm Thành Lập cho biết: Xóm Thành Lập có 180 hộ dân sinh sống, trong đó 2/3 số hộ làm nông nghiệp. Với trên 40 ha đất nông nghiệp, những năm trước đây, người dân chỉ đơn thuần chuyên canh cây lúa với các giống cũ cho năng suất thấp, hiệu quả không cao, việc lo đủ cái ăn trong những ngày giáp hạt đã là gánh nặng trên đôi vai người nông dân. Nhưng chỉ sau vài năm, nhờ người dân trong xóm đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào thay thế những giống cũ đã thoái hoá mà cuộc sống nơi đây đã đổi khác. Các mô hình cho thu nhập cao từ 50 triệu đồng trở lên dần xuất hiện chiếm khoảng trên 10 ha với các công thức luân canh như: Lúa xuân - Mùa sớm - Khoai tây; lúa xuân - mùa sớm - ngô nếp; đỗ tương xuân - mùa sớm - rau; rau - lúa mùa sớm - rau; trồng 3 vụ rau… Hai năm trở lại đây, 40 hộ dân xóm tôi còn tham gia thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích gần 2 ha.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua tham gia mô hình, nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm còn được nâng lên rõ rệt, ý thức về một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đang dần hình thành. Hiện, xóm Thành Lập không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 60%.
Không chỉ tích cực đưa những giống mới vào sản xuất, nông dân chi hội Hiệp Đồng còn tham gia ô mẫu trình diễn chăm sóc lúa theo quy trình khoa học 3 giảm, 3 tăng với tổng diện tích 1 ha. Được biết, 3 giảm ở đây là giảm giống, giảm đạm dư thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật; 3 tăng là tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Kết quả thực hiện ô mẫu trình diễn trên được đánh giá cao tại hội nghị đầu bờ của Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Nguyên và Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Mô hình này hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong toàn xã. Còn tại miền Vân Thượng, nông dân lại thực hiện áp dụng thành công phương pháp gieo mạ trên khay...
Việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giúp người dân biết cách làm ăn, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Từ những diện tích canh tác đơn thuần nay chuyển sang mô hình canh tác luân canh với cơ cấu 4 vụ/sào/năm. Hiện, toàn xã Hồng Tiến có từ 15-20 ha tại các xóm Thành Lập, Đông Sinh, xóm Chùa... 4 vụ là 2 lúa - 2 màu trong 1 năm trong đó cây màu được trồng chủ yếu là ngô nếp Mx2-Mx10 hoặc ngô ngọt, khoai tây giống Hà Lan, su hào, rau màu khác.
Nhờ ứng dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất đã cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha như gia đình chị Đỗ Thị Nhẫn, Bùi Thị Ca (xóm Thành Lập)... Ngoài ra, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học với 2.000 con được thực hiện ở 10 hộ ở xóm Mãn Chiêm, sau 3 tháng thu hoạch, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt từ 3-5 triệu đồng/hộ …
Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến kiến nghị: Khi thực hiện các chương trình làm khảo nghiệm đề nghị triển khai ở nhiều vùng khác nhau trong cùng thời điểm để rút ngăn thời gian làm công tác khảo nghiệm, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác tập huấn KHKT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi...
Hy vọng, với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, việc ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất không chỉ giúp nông dân Hồng Tiến tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.