Thực hiện chương trình cải cách hành chính thuế, từ tháng 4-2007, Phòng Quản lý thu nợ và cưỡng chế thuế (QLTN&CCT) Thái Nguyên đã được thành lập với 8 cán bộ, công chức.
Anh Nguyễn Hữu Lợi, Trưởng phòng QLTN&CCT cho biết: Khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý thu nợ, có tới 323 đơn vị có nợ với số tiền nợ 129 tỷ đồng. Sự tồn tại trên do trước đây cán bộ chuyên quản theo dõi chưa chính xác, trong khi đó số có nhiều khoản nợ diễn biến rất phức tạp: Có doanh nghiệp được nhà nước cho khoanh nợ như Công ty Khách sạn Du lịch; có đơn vị được tạm khoanh thuế tiêu thụ đặc biệt như Công ty chế biến thực phẩm Thái Nguyên; có doanh nghiệp nợ từ trước khi cổ phần hoá như Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ (trước khi cổ phần hoá nợ 700 triệu đồng đề nghị nộp dần từ năm 2008 đến năm 2010); hoặc Công ty cổ phần Gạch Cao Ngạn nợ 299 triệu đồng trước cổ phần hoá đang đề nghị được xoá nợ nhưng chưa được Bộ Tài chính đồng ý...
Để quản lý nợ một cách chính xác, Phòng đã phân loại nợ thuế xác định nguyên nhân, tình trạng, tuổi nợ của từng khoản nợ thuế từ đó áp dụng các biện pháp quản lý thu nợ có hiệu quả. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi các đơn vị. Mỗi đơn vị nợ, cán bộ thuế đều lập hồ sơ riêng để tiện việc theo dõi, quản lý thu thuế. Hàng ngày, Phòng đều phân công cán bộ đi các Đội thu nợ của các Chi cục thuế huyện, thị thành và các đơn vị để hướng dẫn, đôn đốc nộp thuế. Hàng tháng ra thông báo, đôn đốc các đơn vị nộp thuế đúng thời gian quy định. Đơn vị nào nộp chậm sẽ tiếp tục có thông báo đôn đốc nhắc nhở. Các doanh nghiệp tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm với tờ khai… Do vậy, bình quân mỗi tháng Phòng đôn đốc thu vào ngân sách khoảng 20 tỷ đồng.
Đến hết tháng 7-2008, tổng số đơn vị nợ thuế trong kỳ tính thuế đã giảm xuống còn trên 200 đơn vị với số tiền thuế nợ là 72 tỷ đồng (riêng các đơn vị thuộc Phòng quản lý còn 155 đơn vị với 65 tỷ đồng). Trong đó, Phòng đã phân ra thành các loại: Nợ khó thu là 1,685 tỷ đồng, bao gồm các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản; bỏ trốn mất tích; các đối tượng bị khởi tố và các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Ví dụ như một số đơn vị như: Nhà máy chè Tức Tranh; Xí nghiệp chè Phú Lương; Chi nhánh lắp máy điện xây dựng cổ phần Trung Thành.. Cán bộ thuế đã đến nhiều lần nhưng do các đơn vị trên đã ngừng sản xuất hoặc trốn tránh nên không thu được. Phòng cũng đã đưa ra biện pháp phối hợp với các Ngân hàng liên quan để phong toả tài khoản của các đơn vị như: Công ty cổ phần sản xuất và Dịch vụ Tổng hợp Thái Nguyên nợ trên 308 triệu đồng (từ 30- 4-2006 đến 25-3-2007); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái nợ trên 240 triệu đồng từ năm 2006 đến năm 2007.
Về nợ chờ xử lý là 2,139 tỷ đồng, chủ yếu là nợ khoanh, nợ chờ điều chỉnh thuế; nợ khiếu kiện; nợ trong biên bản quyết toán doanh nghiệp chưa nhất trí hoặc sau thanh tra. Ví dụ trường hợp của Công ty cổ phần Phát hành sách có món nợ 68 triệu đồng do cơ quan thuế phát hiện sau thanh tra khi Công ty chưa thực hiện cổ phần hoá. Nay Công ty chuyển sang cổ phần Hội đồng quản trị không nhất trí thu nộp số tiền trên. Còn lại là loại nợ thông thường (tức là các đơn vị có thể nợ chậm một vài ngày với lý do khó khăn nhất thời hoặc lúc nộp thừa, lức nộp thiếu phài nộp bù trừ vào tháng sau).
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lợi: Qua phân tích nợ và thực hiện các biện pháp thu nợ, với tinh thần động viên, giáo dục là chính để vận động các đơn vị nộp thuế đúng thời gian quy định. Vì vậy, đa số các đơn vị chấp hành tốt, cho đến thời điểm này chưa phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, với những trường hợp cố tình hoặc nhiều lần nộp chậm, Phòng đã kiến nghị Cục thuế sẽ kiên quyết phạt các doanh nghiệp chậm nộp thuế theo quy định.
Hiện, Công tác quản lý thu nợ của Phòng đã đi vào nề nếp. Với số cán bộ trong Phòng và Cục thuế tiếp tục tăng cường thêm 6 cán bộ ở các bộ phận khác về nên Phòng đã tăng cường công tác thu nợ không để nợ mới phát sinh và cố gắng thu róc nợ cũ. Với những cố gắng của cán bộ công chức phòng QLTN&CCT, nên đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thu ngân sách của toàn ngành. Không những thế, công tác quản lý thu nợ chặt chẽ đã nâng cao ý thức người nộp thuế và tạo bước chuyển biến trong nhận thức các đối tượng nộp thuế, không thể xem nhẹ việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.