Sống lại một làng nghề

09:08, 18/08/2008

Sinh ra và lớn lên tại xã Tiên Phong (Phổ Yên), Nguyễn Văn Thiệu, xóm Giã Trung không được may mắn như nhiều người khác. Là con út trong một gia đình đông anh em, cha mẹ đều làm nông nghiệp nên học hết THPT, Thiệu không có điều kiện để học lên tiếp, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Hai năm phục vụ quân ngũ cũng là thời gian để anh suy ngẫm, trăn trở làm thế nào để cuộc sống gia đình bớt nghèo. Đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hay làm bất cứ thứ gì cũng cần có vốn trong khi anh lại chẳng có gì ngoài sức trẻ. Anh nhớ lại lúc còn nhỏ, rất nhiều hộ dân trong xóm có nghề làm mộc sản xuất những vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình và bán cho bà con quanh vùng. Nhưng theo thời gian, nghề truyền thống ấy cũng dần mai một vì không có hộ nào đầu tư nâng cao kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, những dụng cụ như cưa, bào, đục... lại bị xếp vào một góc.

 

Hết nghĩa vụ quân sự trở về, Thiệu theo người làng đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất một ở Bắc Ninh. Ban đầu anh chỉ suy nghĩ đơn giản làm thuê để kiếm sống. Nhưng một hai năm, anh thấy những thợ có tay nghề cứng làm thuê đều là người hàng xóm của anh. Trong anh nảy ra suy nghĩ, sao mình lại không xây dựng cơ sở sản xuất mộc ngay tại địa phương để anh em cùng làm? Anh đem suy nghĩ đó bàn với các thanh niên cùng đi làm thuê thì được họ nhiệt tình ủng hộ.

 

Đầu năm 2007, anh đã mạnh dạn cùng một số hộ dân trong xóm đứng ra thành lập Hợp tác xã chế biến và kinh doanh lâm sản do anh làm chủ nhiệm với số vốn điều lệ 800 triệu đồng của 30 xã viên. Ban quản trị phân công mỗi thành viên phụ trách một xưởng sản xuất. Hiện nay, Hợp tác xã có 30 xưởng, mỗi xưởng sản xuất có 5 công nhân chính, 3-4 công nhân phụ với mức lương bình quân 1 triệu đồng/tháng. Anh Thiệu nghĩ việc thành lập hợp tác xã vừa để sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và các địa phương lân cận, vừa thu hút, tạo việc làm cho các đoàn viên thanh niên, đó là lực lượng lao động rất dồi dào của địa phương (80% số lao động ở các xưởng là thanh niên). Họ là những người có tay nghề vững, có thể làm được những đồ dùng phức tạp với những chi tiết đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Nói về dự định của mình, anh  cởi mở: Sản phẩm chủ yếu được xuất bán cho các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh và một phần cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Các thành viên trong Ban quản trị Hợp tác xã đã thống nhất là sẽ thuê một cửa hàng ngoài thị trấn Ba Hàng để trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

 

Không chỉ mạnh dạn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, anh Thiệu còn là Phó trưởng xóm, công an viên, Bí thư chi đoàn thôn Giã Trung. Ở cương vị nào anh cũng được mọi người đánh giá là có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc. Năm 2007, anh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của- phần thưởng của Trung ương Đoàn dành cho nhà nông trẻ xuất sắc; giải thưởng thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Tỉnh đoàn Thái Nguyên và nhiều phần thưởng khác.