Trong thời gian tới, mức lãi suất cho vay thấp nhất sẽ được áp dụng đối với doanh nghiệp thu mua lúa gạo và cá tra.
Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 9/8. Cụ thể, mức lãi suất sẽ là 19,9%/năm, thay vì 21%/năm trước đây.
Dự tính sản lượng gạo cả nước năm 2008 sẽ đạt khoảng 37,6 triệu tấn (tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2007), trong đó: vụ Đông Xuân cho 18 triệu tấn; vụ hè thu cho 10,8 triệu tấn; vụ mùa cho 8,85 triệu tấn. Nếu không có đột biến về thiên tai và phòng trừ được dịch rầy nâu thì sản lượng lúa cả năm của các tỉnh ĐBSCL đạt khoảng 20,28 triệu tấn.
Từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ toàn vùng ĐBSCL còn khoảng 4 triệu tấn, trong đó: Cần Thơ 240 ngàn tấn, Sóc Trăng 380 ngàn tấn, An Giang 1.400 ngàn tấn, Đồng Tháp 400 ngàn tấn, Kiên Giang 500 ngàn tấn, Trà Vinh 200 ngàn tấn...
Trong lượng lúa hàng hóa trên, sẽ dành khoảng 3,5 triệu tấn lúa (tương đương 1,8 triệu tấn gạo) cho xuất khẩu. Đến nay, nước ta đã xuất khẩu 2,8 triệu tấn, dự kiến quý 3 xuất khẩu 3,6 triệu tấn, còn lại 1 triệu tấn để xuất khẩu trong quý 4 và 500 ngàn tấn lúa để điều hòa cho các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Tiêu thụ lúa vẫn khó khăn
Giá thành đầu tư trồng lúa tăng cao, nhưng giá bán ra thấp, khiến cả nông dân và các doanh nghiệp thu mua kinh doanh lúa gạo đều có nguy cơ thua lỗ.
Hiện nay giá gạo đang giảm, nguyên nhân chính là do Thái Lan đã nâng sản lượng xuất khẩu lên 10 triệu tấn trong năm nay, tăng 0,5 triệu tấn so với dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu như Campuchia và Việt Nam đều được mùa, thu hoạch rộ vào tháng 6 và 7 cũng là nguyên nhân tác động khiến giá gạo trên thị trường thế giới giảm. Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL hiện đang phổ biến ở mức 4.300-4600 đồng/kg. Theo Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính, giá thành lúa hè thu ở ĐBSCL hiện đang ở mức 3.200-3.600 đồng/kg.
Lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp và trong dân đang rất lớn, kéo theo số lượng gạo thu mua không ổn định.
Tổng công ty Lương thực Miền
Hiện còn hơn 2.000 tỷ đồng nhu cầu dành cho thu mua lúa hè thu đang mong chờ giải ngân kịp thời. Tổng công ty cũng hiện còn một số món vay đến kỳ thanh toán cũng cần nhà nước hỗ trợ. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng: lãi suất cho vay từ các ngân hàng vẫn còn cao, chưa đủ thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp thu mua.
UBND tỉnh Cần Thơ kiến nghị nên giãn thời gian cho vay vốn đối với doanh nghiệp thu mua lúa gạo xuất khẩu lên 4-5 tháng.
Tăng cường điều hành sát sao xuất khẩu gạo
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết: trong thời gian tới sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với doanh nghiệp thu mua lúa gạo và cá tra, cụ thể là 19,9%/năm, thay vì 21%/năm trước đây.
Các ngân hàng Vietcombank, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Techcombank cũng sẽ chia sẻ lãi suất cho vay với các doanh nghiệp. Đồng thời, sẵn sàng gia hạn nợ và cho nông dân tiếp tục vay thêm nếu như bà con chưa bán được lúa. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát giảm, lãi suất cho vay còn có thể xuống mức 18,5%.
Về vấn đề nhiều doanh nghiệp xin vay vốn bằng ngoại tệ, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc thu mua nông sản trong nước bằng ngoại tệ sẽ rất khó kiểm soát, tuy nhiên nếu không gây đảo lộn thị trường thì có thể khuyến khích.