Từ 'cái nôi' công nghiệp đến vị trí trung tâm vùng

09:32, 20/08/2008

Cùng với vị thế là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, nơi hoạt động của TW Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Chính phủ trong kháng chống Pháp, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Thái Nguyên còn được biết đến như “chiếc nôi của ngành luyện kim”, “con chim đầu đàn” của ngành công nghiệp nặng cả nước…

 Hơn nửa thế kỷ qua, phát huy bề dày truyền thống đó, ngành công nghiệp Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả tỉnh, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và tương xứng với vị trí Trung tâm công nghiệp của vùng Việt Bắc.

 

Hẳn chúng ta còn nhớ, mẻ gang đầu tiên ra đời tại Khu công nghiệp (KCN) Gang thép (29-11-1963) đã đánh dấu bước tiến mạnh mẽ, tạo đà phát triển sau này của ngành luyện thép Thái Nguyên. Cũng từ đây, nói tới công nghiệp Thái Nguyên là nói tới KCN Gang thép và trong tiềm thức mọi người, T.P Thái Nguyên-nơi có KCN Gang thép-còn có tên gọi “Thành phố thép”. Giờ đây, thương hiệu thép TISCO được gắn liền với tên tuổi KCN Gang thép và là đại diện số một của Thái Nguyên trên thị trường thép trong và ngoài nước.

 

KCN Gang thép có tổng diện tích 520ha, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước với hệ thống các cơ sở sản xuất thép, gang, gạch samốt, các cơ sở luyện thiếc, chì, kẽm, bột ôxít kẽm... Hiện nay để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, phát triển tương xứng với KCN tập trung, Công ty Gang thép Thái Nguyên đang triển khai Dự án đầu tư giai đoạn 2 với tổng kinh phí 236 triệu USD, công suất 550 nghìn tấn phôi thép/năm. Vai trò, vị trí của KCN Gang thép có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, điều tiết nguyên liệu và bình ổn giá thép trên địa bàn.

 

Cùng với KCN Gang thép, Thái Nguyên còn được biết đến với KCN Sông Công. Đây là KCN khá lớn bao gồm 320ha của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo thuộc KCN Gò Đầm cũ và 85,07ha của 27 dự án (4 dự án vốn FDI) thuộc KCN Sông Công mới. Hiện nay, KCN Sông Công đã có 20 dự án đi vào sản xuất kinh doanh với tổng vốn khoảng gần 900 tỷ đồng. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp địa phương, mới đây tỉnh đã tiến hành quy hoạch, giải phòng mặt bằng, kêu gọi đầu tư vào hai KCN tập trung mới là KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình) và KCN Nam Phổ Yên. Đây được xem là hai KCN chiến lược trong phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm tạo lợi thế về khoảng cách, vùng nguyên liệu đối với các địa phương lân cận. Song song với đó, tỉnh cũng đã quy hoạch và cho ra đời 25 cụm công nghiệp nhỏ ở 9 huyện, thành, thị, trong đó đã thu hút được 26 dự án vào đầu tư với số vốn đăng ký 759 tỷ đồng. Được biết, tỉnh tiếp tục khảo sát, chọn địa điểm quy hoạch các cụm công nghiệp tập trung ở các huyện: Phổ Yên, Đồng Hỷ, Đại Từ. Có thể nói, các KCN tập trung, cụm công nghiệp nhỏ của tỉnh đang tạo thành mạng lưới công nghiệp đa lĩnh vực, đa ngành nghề thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.

 

Là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản với các loại quý hiếm như chì, kẽm, titan, vonfram…nên Thái Nguyên đang tập trung khai thác thế mạnh đó bằng việc thu hút đầu tư các dự án khai khoáng và chế biến sâu khoáng sản. Đó là các dự án lớn như: Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo; Dự án sản xuất kẽm điện phân tại Sông Công, Phú Bình; Dự án luyện xỉ titan Cây Châm; cácdự án luyện thép của Công ty Gang thép Thái Nguyên... Cùng với công nghiệp khai khoáng, luyện kim, các loại hình công nghiệp khác như: Công nghiệp chế tạo, may mặc, công nghiệp phục vụ xây dựng... cũng được đầu tư phát triển mạnh, hàng năm đóng góp một lượng lớn cho ngân sách địa phương.

 

Những năm qua, do biết phát huy lợi thế, tập trung khai thác hiệu quả các thế mạnh công nghiệp, nên giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của tỉnh đạt khá cao. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, trong đó công nghiệp Trung ương chiếm trên 4 nghìn tỷ đồng, công nghiệp địa phương chiếm trên 2,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2008, tỉnh phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp gần 9 nghìn tỷ đồng và năm 2009 phấn đấu đạt 11 nghìn tỷ đồng.

 

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay cộng thêm những lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, tin chắc công nghiệp Thái Nguyên sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững, xứng đáng với vị trí Trung tâm vùng Việt Bắc.