‘Vua không ngai’ nuôi lợn nái ngoại

09:26, 11/08/2008

Đang sở hữu một trang trại rộng trên 7.000m2 với gần 400 lợn nái ngoại và vài trăm lợn thịt mỗi lứa, đặc biệt “ông vua” lợn nái ngoại này còn thực hiện cung cấp thức ăn chăn nuôi, giống lợn, hỗ trợ kỹ thuật cho 20 cơ sở chăn nuôi lớn của huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá...và tạo ra đường đường  dây cung cấp lợn thịt, lợn giống ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu...

“Tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của huyện!”

 

Năm 1995, gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở xã Hùng Sơn (Đại Từ) đã là một trong những hộ chăn nuôi lớn của xã với hàng chục con lợn thịt mỗi lứa và có nhiều kinh nghiệm về nuôi lợn nái giống Móng Cái. Nhưng kinh tế gia đình anh Thái lúc đó chỉ ở mức trung bình bởi phương thức chăn nuôi theo cách truyền thống, nhỏ lẻ, giá lợn giống, lợn thịt thất thường, bệnh dịch lại hay xảy ra. Đến thời điểm đầu năm 2000, huyện Đại Từ có chủ trương phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại và cần tìm một số hộ gia đình có kinh nghiệm để thí điểm mô hình này và rất ngẫu nhiên gia đình anh Thái được xã Hùng Sơn tiến cử để thực hiện dự án.

 

Trong dự án này, người dân được cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật, lãnh đạo huyện cho đi tham quan mô hình, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và được giúp đỡ mua giống lợn chất lượng. Từ sự giúp đỡ ban đầu đó của huyện Đại Từ, cộng thêm sự ham học hỏi, không lâu sau Nguyễn Văn Thái đã thành thục về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái ngoại. Anh Thái kể: “Hồi đó tôi được học về kỹ thuật, vay gần 30 triệu đồng để mua 34 con lợn nái ngoại, lợn giống và trực tiếp được anh Nguyễn Đức Mậu nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến khích, giúp đỡ về nhiều mặt. Thời gian đầu gia đình lo vì lợn nái ngoại không phàm ăn như lợn Móng Cái, chuồng trại lại phải vệ sinh sạch, thoáng mát... Nhưng sau 1 năm thấy nuôi lợn nái ngoại cũng không quá khó, lợi nhuận cao hơn, bệnh tật cũng ít vì thực hiện phòng dịch. Số tiền 30 triệu vay lần đầu hoàn trả xong tôi lại làm đơn vay 150 triệu để đầu tư nuôi lợn và được chấp nhận. Phát triển ổn định nên mới đây tôi đã được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho vay tới 500 triệu đồng mở rộng quy mô nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt. Có được ngày hôm nay tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của huyện”. Còn khi họi chuyện về thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Thuý-vợ anh Thái thông tin rằng mặc dù người dân trong xã “phong” gia đình chị là hộ giàu nhưng thực chất phần lớn vốn, lãi đều được tái đầu tư cho chăn nuôi nên gia đình vẫn sống rất giản dị.

 

Hiện tại gia đình anh Thái đang sở hữu cơ sở chăn nuôi số I rộng 1.200m2 và đã hoàn tất công việc xây dựng cơ sở chăn nuôi số II rộng trên 6.000m2 với giá trị đầu tư trên 2 tỷ đồng. Khu chăn nuôi mới này cách biệt hoàn toàn với khu dân cư, được xây dựng khép kín theo quy trình chăn nuôi công nghiệp. Với 2 cơ sở nêu trên anh Thái đang dự định tăng số lợn nái lên khoảng 400 con, ngoài ra còn nuôi thêm lợn thịt.

 

Không chỉ đầu tư mở rộng quy mô trang trại của gia đình, vua lợn nái ngoại Nguyễn Văn Thái còn có gần 20 cơ sở chăn nuôi vệ tinh thường xuyên cung cấp giống lợn, thức ăn chăn nuôi và là điểm cung cấp hàng trở lại. Với lượng lợn giống, lợn thịt đảm bảo chất lượng và ổn định nên anh Thái đã lập một đường dây chuyên cung cấp lợn xuất khẩu cho một số danh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm, chủ động về giá. Anh Thái cho biết : “ Khi đã làm ăn lớn thì không thể ăn xổi mà cần giữ chữ tín với bạn hàng nên tôi và các cơ sở chăn nuôi không lo đầu ra, giá bán luôn có lợi so với các cơ sở khác...”.

 

“Bác sĩ” không bằng cấp!

 

Điều khiến chúng tôi cảm thấy thú vị hơn nữa ở Nguyễn Văn Thái chính là hiểu biết về chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Một ông nông dân thuần, không qua trường lớp tập trung nào nhưng với tinh thần cầu thị, ham đọc, nghiên cứu tài liệu, xem các thông tin liên quan trên báo chí, cộng với những kinh nghiệm thực tế nên kiến thức về thú y lại của anh Thái không hề kém bác sĩ được đào tạo chuyên ngành. Hơn 10 năm chăn nuôi lợn nên anh Thái biết rất rõ những bệnh lợn thường gặp, phương thức nào chữa trị đặc hiệu và cách phòng tránh. Anh ví dụ: Bệnh nấm ở lợn nái là phổ biến nhất và nếu không điều trị kịp thời thì chỉ trong thời gian ngắn lợn sẽ không còn khả năng sinh sản. Lợn nái sinh  sản trong quá trình mang thai phải biết bổ sung thức ăn từng giai đoạn vì nếu cho ăn quá lợn con sẽ phát triển hơn mức bình thường dẫn tới chết lưu hoặc không sinh được. Lợn con dễ mắc các bệnh về đường ruột nên khâu vệ sinh phải chú trọng đặc biệt.

 

Tại khu vực trung tâm huyện Đại Từ có nhiều bác sĩ thú y hành nghề nhưng mỗi khi lợn có bệnh hoặc có dấu hiệu khác thường thì một số chủ cơ sở nuôi lợn lại tìm đến “ông bác sĩ không bằng” Nguyễn Văn Thái để nhờ giúp đỡ. Nguyễn Xuân Mười, một chủ cơ sở nuôi lợn nái ngoại mới nổi ở Hùng Sơn cho biết: “Kiến thức của anh Thái phong phú nên mỗi khi đàn lợn nhà tôi bỏ ăn hay có dấu hiệu lạ là tôi phải nhờ anh Thái đến xem giúp”. Điều khó nhất khi xử lý bệnh cho lợn nái theo Nguyễn Văn Thái chính là “phẫu thuật” để giúp lợn khi sinh vì không thể sử dụng thuốc mê, cũng không thể dùng dây thừng trói lợn mẹ lại mà phải sử dụng những động tác nhanh, chính xác để kéo lợn con ra ngoài và “độc chiêu” này chắc chắn ngoài Thái cũng khó có nông dân nào thực hiện được.

 

Hơn nửa ngày ngồi hỏi và nghe Nguyễn Văn Thái nói về kinh nghiệm nuôi lợn, người viết bài này mới thấy nông dân muốn làm giàu không dễ bởi ngoài sự giúp đỡ ban đầu của chính quyền địa phương họ còn phải tự lo rất nhiều điều trong đó đáng quan tâm là: Vốn, kiến thức chuyên môn và đầu ra cho sản phẩm.