Từ đầu năm đến nay, HTX Công nghiệp và Vận Tải Chiến Công (HTX CN &VT Chiến Công) cũng như nhiều đơn vị khác, không nằm ngoài khó khăn chung về nguồn vốn, kể cả vốn vay ngân hàng; giá nguyên vật liệu tăng cao.
Trong khi đó, hoạt động của HTX lại đa ngành, đa lĩnh vực và các mặt hàng sản xuất không tập trung, được phân bố ở nhiều tỉnh, địa phương và thuộc nhóm các mặt hàng chịu sự tác động mạnh của sự tăng giá như kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất; sản xuất các mặt hàng cơ khí chế tạo, hàng kết cấu thép, xây dựng công nghiệp và dân dụng; chế biến khoáng sản và luyện gang thép, luyện thiếc, luyện Fero man gan, các loại mangan điện giải, đòi hỏi phải có nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của HTX tương đối khả quan: Doanh thu đạt trên 260 tỷ đồng (kể cả các đơn vị thành viên); tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân 1,650 triệu đồng/người/ tháng; nộp ngân sách Nhà nước 12 tỷ đồng; lợi nhuận trên 27 tỷ đồng. HTX được đánh giá là một trong số ít đơn vị trong Liên minh HTX Thái Nguyên đã vượt qua khó khăn giữ vững ổn định sản xuất. Đặc biệt, nhân dịp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của Liên minh HTX tỉnh, HTX CN &VT Chiến Công đã vinh dự được đón Cờ thi đua của BCH Liên minh HTX Việt Nam- đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong lĩnh vực HTX tiểu thủ công nghiệp năm 2007 và tập thể HTX cùng 2 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2007, được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen.
Anh Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm HTX CN&VT Chiến Công cho biết: “Để giữ vững được sự phát triển của HTX, điều cơ bản là HTX đã có một sự chuẩn bị đầu tư từ nhiều năm. Ví như. Ở Cao Bằng, năm 2004, HTX đã thành lập Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng; đầu tư nhà máy luyện fero mangan, mangan điện giải do Nhật Bản chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm, hiện đã đi vào sản xuất được 6 tháng. Với định hướng phát triển lâu dài, HTX đã mạnh dạn đầu tư 295 tỷ đồng xây dựng nhà máy thuỷ điện Bản Rạ (ở Trùng Khánh- Cao Bằng) công suất 18 MW. Hiện, Nhà máy đang được triển khai thực hiện. Dự kiến đến tháng 10-2009, sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy thuỷ điện được xây dựng sẽ góp phần phục vụ điện cho sản xuất và sinh hoạt của một số hộ dân trong khu vực. Chính vì vậy, HTX được đánh giá là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có quy trình công nghệ khép kín trong lĩnh vực đầu tư nhà máy thuỷ điện để cung cấp nguồn năng lượng, đến khâu khai thác tuyển khoáng cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất luyện kim của HTX.
Tại Tuyên Quang, năm 2006, HTX thành lập Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công; đầu tư xây dựng Nhà máy luyện fero mangan 15.000 tấn/năm (đã đi vào sản xuất). Đồng thời, đầu tư xây dựng một Trung tâm thương mại –Khách sạn Lô Giang tiêu chuẩn 3 sao với quy mô 120 phòng nghỉ hiện đại tại trung tâm tỉnh Tuyên Quang. Dự kiến tháng 12-2008 sẽ đưa vào hoạt động. Tại Thái Nguyên, HTX đã đầu tư địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, hiện hoạt động này đang triển khai khá tốt. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Phú Lương và Đồng Hỷ. HTX đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông); đầu tư Nhà máy luyện gang thép tại cụm công nghiệp xã Nam Hoà (Đồng Hỷ), với công suất 180.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư dự kiến 290 tỷ đồng và sẽ khởi công vào quý IV-2008. HTX cũng đang dự kiến sẽ đầu tư hạ tầng kho cảng đường sắt ga Lương Sơn; cảng đường sông tại Đa Phúc nhằm phục vụ xuất nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất công nghiệp của HTX.
Với một khối lượng các dự án đầu tư đã và đang triển khai; vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh không nhỏ, trong khi các ngân hàng đang thực hiện thắt chặt tiền tệ. Vì thế, để chủ động nguồn vốn cho đầu tư các dự án và duy trì sản xuất các mặt hàng, bên cạnh những lợi thế về uy tín do HTX đã dày công tạo dựng từ nhiều năm qua; việc xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao nên các ngân hàng vẫn tin cậy đầu tư vốn cho đơn vị; mặt khác HTX đã tạo được lòng tin của đối tác có tiềm lực nên họ sẵn sàng đầu tư về tài chính, chuyển giao công nghệ. Riêng Tập đoàn Boeki Tokyo Nhật Bản đã đầu tư cho nhà máy luyện gang thép, mangan theo hình thức: Chuyển giao công nghệ, thiết bị, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Do vậy, trong khi các doanh nghiệp khác thiếu vốn thì HTX vẫn chủ động cân đối được nguồn vốn đảm bảo cho các hoạt động diễn ra bình thường.
Xác định năm 2008 là năm bản lề các đơn vị thành viên đi vào vận hành sản xuất ổn định, nên HTX đã phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất; thực hành tiết kiệm. Đồng thời không ngừng đầu tư thiết bị mới 100% (như ô tô, máy xúc do Nhật bản sản xuất) để phục vụ khai thác mỏ nhằm giảm tổn thất về nhiên liệu, sửa chữa, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy). Cùng với đó, HTX còn tuyển dụng công nhân kỹ thuật có trình độ cao để sản xuất ổn định. Riêng sản xuất luyện kim và khai thác mỏ, HTX đã thuê 20 chuyên gia Trung Quốc để chuyên giúp về vận hành sản xuất tránh lãng phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện, trong sản xuất HTX đang áp dụng tiêu chuẩn quản lý ISO 9001-2000 và đang tiến hành thực hiện kiểm toán minh bạch công khai tài chính và kinh doanh. Dự kiến đến năm 2010 HTX và các công ty thành viên sẽ trở thành Công ty đại chúng được niêm yết trên thị trường chứng khoán và đã được các đối tác là bạn hàng truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đăng ký là cổ đông chiến lược khi HTX trở thành Công ty đại chúng.