Xây dựng thương hiệu cho chè La Bằng

14:49, 07/08/2008

Để nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế bền vững, hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng thượng hiệu đã được đặt ra cấp thiết đối với những người làm chè ở La Bằng nói riêng và những vùng chè tiềm năng ở Đại Từ nói chung. Nhưng bắt đầu từ đâu, như thế nào là cả một lộ trình không đơn giản và ai hay tổ chức nào sẽ mạnh dạn đứng ra chèo lái “con thuyền” xây dựng thương hiệu?

Mặc dù theo đánh giá của những thương nhân buôn bán chè thì chất lượng chè La Bằng (xã La Bằng); chè Khuôn Gà (Hùng Sơn); chè Đầm Mua (Bản Ngoại) của huyện Đại Từ… không thua kém chè Tân Cương (T.PThái Nguyên) hay chè Sông Cầu (Đồng Hỷ), nhưng không phải bạn hàng nào cũng biết đến điều đó. Khi đến với Thái Nguyên, người ta thường tìm mua chè Tân Cương hay chè Sông Cầu là chính, chỉ một số ít khách hàng sành chè trong tỉnh mới tìm mua chè Đại Từ. Vì thế có tư thương đã lợi dụng chất lượng ngon của chè Đại Từ để đóng mác khác bán với giá cao kiếm lời.

 

Để nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế bền vững, hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng thượng hiệu đã được đặt ra cấp thiết đối với những người làm chè ở La Bằng nói riêng và những vùng chè tiềm năng ở Đại Từ nói chung. Nhưng bắt đầu từ đâu, như thế nào là cả một lộ trình không đơn giản và ai hay tổ chức nào sẽ mạnh dạn đứng ra chèo lái “con thuyền” xây dựng thương hiệu?    

 

Đến xã La Bằng vào một ngày giữa tháng 7, chúng tôi mê mẩn bên những nương chè búp non mơn mởn dưới ánh nắng ban mai vàng óng. Những thôn nữ, các bà, các chị khoác trên vai những cái thạ, dàn hàng ngang trên nương chè bàn tay thoăn thoắt hái từng búp chè non, tạo lên hình ảnh vừa chân thực vừa lãng mạn. Một cô gái chỉ dừng tay khi thấy tôi hỏi chuyện. Ở đây chúng em làm đổi công chị ạ, nên chỉ hái một loáng là xong. Hái chè vào sớm mai để xao là ngon nhất vì trên búp chè còn đọng lại những giọt sương tinh khiết, búp chè tươi đang độ căng mọng. Làm đổi công sẽ tạo nên không khí hăng say trong lao động, giảm đi sự mệt mỏi… Từ nương chè này, chúng tôi lại di chuyển qua nương chè khác để trò chuyện và ngắm nhìn phong cảnh với màu xanh của chè, của cây ăn quả thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng với nhiều kiểu dáng hiện đại...

 

 Gần trưa chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng-người được nhiều xã viên tin tưởng giao trọng trách “tìm đường” để xây dựng thương hiệu chè La Bằng. Khác với tưởng tượng của chúng tôi, chị Hải có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da ngăm đen, giọng nói có vẻ tự tin và quyết đáp. Khi biết được ý định tìm hiểu của chúng tôi, chị nói luôn: Chúng tôi không thể tự nói hay về chè của chúng tôi, mà chất lượng chè La Bằng đã được khẳng định qua các cuộc thi về chất lượng chè ở huyện và tỉnh. 2 năm liền xã cử người tham dự hội thi chất lượng chè ở tỉnh đều đoạt giải Nhất. Chè La Bằng ngon nổi tiếng từ lâu, song giá bán lại chưa được cao vì chúng tôi chưa xây dựng được thương hiệu. Chính vì lẽ đó tôi đã mạnh dạn đứng ra tập hợp những người có kinh nghiệm làm chè trong xã để thành lập mô hình HTX để có điều kiện cùng đầu tư chăm sóc, chế biến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường rộng rãi tiêu thụ sản phẩm. Buổi ban đầu HTX chè La Bằng cũng không thể tránh khỏi được những khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, thị trường tiêu thụ… Nhưng tôi tin tuởng HTX sẽ tồn tại và phát triển được.

 

HTX chè La Bằng có 13 xã viên với diện tích chè quản lý khoảng hơn 20 ha; chúng tôi mới đang thu mua được khoảng hơn 10% sản lượng chè búp khô trong xã, như vậy là rất ít, còn cơ bản nhân dân vẫn tự tiêu thụ, giá bán thấp. Chiến lược của HTX là đầu tư xây dựng vùng chè nguyên liệu để sản xuất, chế biến chè đặc sản, đóng hộp, quảng bá hình ảnh chè La Bằng rộng khắp trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nếu như bình thường, người làm chè trong xã La Bằng chỉ bán được từ 40-60 nghìn đồng/kg chè búp khô, thì HTX sau khi chế biến, lên hương, đóng gói đã bán được với mức giá từ 100-170 nghìn đồng/kg. Thông qua HTX, các xã viên được tham gia các lớp tập huấn IPM trên cây chè để sản suất chè sạch, chè an toàn; được tập huấn kỹ thuật chế biến chè chất lượng cao; HTX đã đăng ký thương hiệu Chè La Bằng với Cục sở hữu trí tuệ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả...

 

Việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm là việc làm hoàn toàn không dễ dàng, vậy mà chị Hải-người con của xã La Bằng đã mạnh dạn đứng ra tập hợp những người cùng chung mục đích, ý chí, nguyện vọng xây dựng thương hiệu chè La Bằng là một việc làm đáng biểu dương và trân trọng. Chúng tôi biết con đường phía trước đối với HTX chè La Bằng vẫn còn nhiều khó khăn, vậy sự giúp sức của các ban ngành chức năng của tỉnh, huyện đối với HTX chè La Bằng là rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt đối với huyện Đại Từ thì càng không thể xem đây là việc của riêng xã La Bằng