Chất lượng thấp, không đúng với quảng cáo, không đúng với công bố của nhà sản xuất, trọng lượng thiếu, hàng quá hạn… là những mối lo thường trực của người tiêu dùng mỗi khi mua sắm. Trong bối cảnh các mặt hàng đều tăng giá, chuyện bớt xén, gian lận lại càng dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng nhận ra những thiệt thòi của mình, và kể cả khi nhận ra, họ cũng đành ngậm ngùi chấp nhận.
Có một câu chuyện vui kể rằng, một người đi chợ mua một cân thịt, về cân lại chỉ còn 8 lạng. Hôm sau, anh ta lại đến hàng đó, đề nghị mua 10 lạng thịt. Trước sự ngạc nhiên của người bán hàng, anh giải thích, mua 1 cân, chỉ được có 8 lạng nên tôi muốn mua 10 lạng. Đó là câu chuyện được truyền miệng đã lâu. Mới đây, các nhà chức trách đã phát hiện ở một trạm xăng ở Nghệ An, dùng chíp điện tử ăn bớt của người tiêu dùng. Sự việc nghiêm trọng tới mức, Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh tổng kiểm tra việc bán xăng trên toàn quốc. Đó được coi là những hành vi gian lận thương mại, ngay khi bị phát hiện các cơ quan chức năng đã có biện pháp để xử lý.
Trên thực tế, còn nhiều chuyện bớt xén khác, khá phổ biến nhưng cũng khá tinh vi, đó là giữ nguyên bao bì, kích thước, màu sắc của sản phẩm, chỉ trọng lượng là rút đi. Đó là chuyện đang xảy ra với những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, chẳng hạn như mì tôm, bim bim… Hiện trên thị trường có hàng trăm loại bim bim khác nhau, một hãng cũng có tới hàng chục loại sản phẩm. Không kể những loại bimbim mới ra đời với giá 3.000- 4.000 đồng/gói 25-35g, có rất nhiều loại bim bim quen thuộc với người tiêu dùng vẫn có giá bán là 1.000 đồng/gói 16- 18g.
Thế nhưng, chỉ có ai tinh ý mới nhận ra, gần đây, có nhiều loại bimbim vẫn giữ nguyên bao bì, giá bán như vậy nhưng trọng lượng đã bị rút bớt từ 15-20%. Tương tự như vậy, nhiều loại mỳ tôm quen thuộc, tưởng không bị tăng giá, hoặc tăng giá rất thấp nhưng thực tế trọng lượng của nó đã bị nhà sản xuất rút bớt từ 85g xuống chỉ còn 70-75g….
Chị Nguyễn Phương Hà 28C Đại La (Q. Hai Bà Trưng) tỏ ra rất bức xúc “Ngay cả những đồ uống có gu, như cà phê chẳng hạn, nhiều nhà sản xuất cũng đã rút bớt trọng lượng. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng hưởng thụ của người tiêu dùng. Chẳng hạn trước đây, để pha được 1 ly cà phê chỉ cần 1 gói nhỏ, nay với trọng lượng rút xuống 10-20%, người tiêu dùng phải rút bớt nước đi hoặc nếu không phải dùng tới 2 gói, và như vậy, không tăng giá nhưng thực tế người tiêu dùng phải trả thêm tiền để có chất lượng như cũ”.
Cụ thể, trong vài tháng gần đây, các nhà sản xuất cà phê cả trong và ngoài nước đã đồng loạt giảm lượng. Ví dụ Nescafe, giảm từ 19g xuống còn 17g/gói, G7 từ 18g xuống 16g/gói, Moment giảm từ 20g còn 18g/gói, Mac coffee từ 20g xuống còn 18g/gói… Chỉ riêng Vinacafe là còn giữ nguyên trọng lượng truyền thống 20g/gói.
Giữa lúc Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp kiềm chế tăng giá, các nhà sản xuất với biện pháp trên đã “góp phần” làm giảm chỉ số giá tiêu dùng. Nhưng thực chất, người tiêu dùng lại đang phải chịu thiệt thòi bởi chuyện không tăng giá nhưng lại giảm lượng. Vẫn biết lúc khó khăn, cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và người bán hàng phải biết chia sẻ lẫn nhau. Tuy nhiên, việc “lặng lẽ” rút bớt trọng lượng sản phẩm mà các nhà sản xuất đang làm đã khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.