Năm 2008, huyện Phổ Yên có kế hoạch trồng mới và trồng lại 100 ha chè cành với cơ cấu giống chè nhập nội như LDP1, TRI777,... Kết thúc vụ xuân, toàn huyện trồng được 15 ha chè cành, bằng 15% kế hoạch, còn lại 85 ha, Phổ Yên tập trung chỉ đạo trồng trong vụ thu. Nhưng đến thời điểm hiện nay mà người trồng chè vẫn dửng dưng. Nhiều khả năng kế hoạch trồng 100 ha chè cành của huyện năm nay sẽ không thể hoàn thành.
Trước thực trạng vụ xuân, toàn huyện mới chỉ hoàn thành 15% kế hoạch trồng chè cành, để chuẩn bị cho vụ thu- vụ trồng chè chính trong năm, huyện Phổ Yên đã triển khai một loạt biện pháp. Trước hết, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước cho các hộ trồng chè được biết thông qua hình thức gửi công văn, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của xóm, xã, thông qua các cuộc họp ở chi bộ thôn, xóm...
Cùng với đó, ngoài phần trợ giá của tỉnh cho những giống chè nhập nội, huyện còn trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp để hỗ trợ 2 giống chè chủ lực mà nhân dân thường trồng là LDP1, TRI777 với giá 60 đồng/cây. Để giúp người dân có nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người dân vay vốn tham gia chương trình. Huyện cũng chủ động xây dựng 4 vườn ươm giống chè tại các xã Thành Công, Phúc Thuận, Bắc Sơn có khả năng cung cấp trên 50 vạn cây giống phục vụ cho trồng mới. Tuy nhiên số lượng này mới chỉ đáp ứng trồng được khoảng 30 ha, ngoài ra huyện còn phải nhập giống từ các địa phương khác trong tỉnh để cung ứng kịp thời cho nhân dân. Trạm Khuyến nông đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức trên 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới và chăm sóc chè cành cho trên 500 hộ dân... Sau khi chương trình được triển khai, cán bộ của các xóm, xã đến tận từng hộ dân tập hợp số lượng đăng ký diện tích, nhu cầu về cây giống của bà con và trình lên huyện.
Có thể nói, tất cả các điều kiện cần thiết cho một vụ trồng chè mới đã được huyện Phổ Yên chuẩn bị chu đáo. Vậy mà đến nay, toàn huyện mới trồng thêm được trên 8 ha chè cành, nâng tổng diện tích chè cành trồng mới tính đến gần giữa tháng 9 này mới đạt trên 24 ha. Vậy nguyên nhân vì sao chương trình trồng mới và trồng lại 100 ha chè cành ở Phổ Yên có tiến độ chậm như vậy?
Có mặt tại xã Vạn Phái, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2008, địa phương được huyện giao kế hoạch trồng mới và trồng lại 8 ha chè cành. Đến thời điểm này chúng tôi mới trồng được 0,6 ha, khả năng không hoàn thành kế hoạch rất có thể xảy ra. Dù quyết liệt đến mấy nhưng theo tính toán của chúng tôi thì Vạn Phái chỉ có thể trồng được 1 ha. Nguyên nhân do năm nay giá vật tư phân bón tăng cao. Để trồng mới 1 ha chè cành người dân sẽ phải đầu tư chi phí các khoản gồm cây giống, phân vô cơ trị giá 12,4 triệu đồng và nguồn phân hữu cơ (phân xanh, phân chuồng). Với những gia đình không có nguồn nhân lực thì họ còn phải thuê nhân công với giá 50.000 đồng/công lao động. Sang năm thứ 2, người dân còn phải đầu tư khoảng 16 triệu đồng/ha và bước vào năm thứ 3 mới bắt đầu cho thu hoạch. Vậy là muốn đầu tư 1 ha chè cành từ lúc trồng mới cho đến lúc thu hoạch người dân sẽ phải chi phí gần 30 triệu đồng. Đây không phải là món tiền nhỏ đối với nông dân. Trong khi một vài năm trở về trước, người dân đầu tư cùng 1 diện tích này chỉ cần số vốn bằng một nửa như hiện nay là đủ. Thêm nữa, nguồn quỹ đất để trồng chè ở Vạn Phái lại quá manh mún, địa phương hầu như không có quy hoạch quỹ đất để trồng chè mà chủ yếu do nhân dân trồng tự phát.
Còn người trồng chè ở xã Thành Công không mặn mà lại do những nguyên nhân khác. Đồng chí Dương Sơn Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giá vật tư phân bón thì tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm chè búp khô bán trên địa bàn không tăng so với cùng kỳ năm trước nên người làm chè không có lãi dẫn đến không tập trung vào trồng mới. Giá chè khô tại chợ Long Thành của xã hiện đang dao động ở mức 25.000 đồng/kg chè trung du, từ 50.000-70.000 đồng/kg chè cành (không tăng so với cùng kỳ năm ngoái). Vì vậy, ở Thành Công có một số diện tích chè đã xuống cấp nhưng người dân không phá bỏ để trồng mới bằng những giống chè cành cho năng suất cao mà vẫn chủ yếu tận thu. Bằng 1 ví dụ đơn giản, ông Thảo chứng minh cho chúng tôi: Với 1 ha chè trung du đang kinh doanh, người nông dân sẽ phải đầu tư khoảng 35 triệu đồng (cả phân bón và công lao động), bù lại sẽ thu hái được 100 tạ búp tươi/năm, với giá bán trung bình 4.000 đồng/kg búp tươi thì họ chỉ thu về được 40 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, thực chất họ lãi 5 triệu đồng/năm. Chính vì lãi thấp như vậy khiến người trồng chè không chú trọng đầu tư mà họ chỉ tận thu. Chè đang kinh doanh còn gặp khó khăn như vậy thì nói gì đến việc phá bỏ đi để đầu tư trồng mới? Khẽ lắc đầu, đồng chí Dương Sơn Thảo nói tiếp: Bàn bạc mãi, tuyên truyền nhiều nhưng khả năng Thành Công cũng chỉ trồng mới và trồng lại được 7-8 ha so với kế hoạch 20 ha chè cành được huyện giao.
Trước những khó khăn, vướng mắc nói trên, đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên khẳng định: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu này. Huyện đang tìm mọi cách để “lên dây cót” lại chương trình như đánh giá, rà soát lại quỹ đất chưa sát với thực tế để có sự điều tiết giữa địa phương này với địa phương khác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của cây chè LDP1, TRI 777 cho nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ hơn. Các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã có buổi làm việc với các địa phương để nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo những khó khăn, sau đó đặt ra những quyết tâm mới và tổ chức thực hiện. Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Phúc Thuận, chúng tôi đã chỉ đạo xã cần phải điều chỉnh tăng thêm 10 ha để “gánh” cho một số địa phương khác như Vạn Phái, Thành Công. Một số xã, thị trấn như Minh Đức, Bắc Sơn cũng phải tăng thêm chỉ tiêu trồng chè năm nay vì đây là những địa phương còn quỹ đất phù hợp với việc phát triển chè cành. Ngoài ra, huyện quan tâm đến việc chế biến, tiêu thụ chè để người dân an tâm sản xuất…
Tuy nhiên, cùng với những biện pháp nêu trên, lãnh đạo huyện Phổ Yên và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Phổ Yên cần lưu tâm hơn nữa đến vấn đề nguồn kinh phí để bà con đầu tư trồng mới, trồng lại và chăm sóc chè cành sẽ được giải quyết như thế nào cho hiệu quả? Bởi thực tế cho thấy đây là một “nút thắt” không dễ dàng tháo gỡ trong ngày một, ngày hai...