Thoát nghèo từ… cây hoang cỏ dại

08:18, 17/09/2008

 - Nhiều nơi ở ĐBSCL đất lung phèn nên bị hoang hóa, cây lúa không xanh nổi, chỉ có cây năn, cọng lác mới sống được. Thế nhưng loại “cây dại cỏ hoang” ấy giờ đây lại giúp nhiều nông dân hái ra tiền và thoát nghèo...

Màu vàng của phèn đã hóa thành... vàng thật trên những cánh đồng hoang hóa của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Để hiểu rõ công việc của những người nhổ năn, tôi phải có mặt tại chợ xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) vào lúc 5g sáng. Không tìm được người chạy đò dọc nên phải ngồi đò chèo gần 40 phút để vào lung năn tận ấp Mỹ Tường.

 

Có tiền trên cánh đồng… năn

 

Lúc này, hai chị em Phạm Kim Nguyện và Phạm Mỹ Hừng, ở ấp Mỹ Tường B cũng xuống ruộng, nhổ những cọng năn non đầu tiên trong ngày. Cánh đồng… năn này là 3 công đất không trồng lúa được của bà Cà Phe, ở ấp Mỹ Tường. Vụ hè thu, gieo giống ba lần nhưng mất trắng nên bà Phe để năn mọc xanh um, bà “chia” 1 công cho hai chị em Nguyện nhổ trong 5 tháng với giá 250.000đ.

 

Công việc của Hừng và Nguyện bắt đầu từ 5g30, đến hơn 7g thì cột từng bó năn to (cỡ 2 gang tay chụm lại) mang ra chợ bán, giá 1.000 đ/bó. Nguyện kể: “Nhà không có đất, mùa mưa nào chị em tui cũng nhổ năn bán. Nếu 2 người nhổ gần 2 giờ khoảng 60–70 bó năn, bán được trên 60.000đ”.

 

Quá giang xuồng chèo của chúng tôi qua ấp Mỹ Tây là cả nhà anh Dương Văn Sơn. Chỉ 4 bao năn nhét đầy, anh Sơn cười vui: “Từ khi cây năn được chọn làm món ăn thì mọi người đổ xô ra lung. Cả nhà tui 4 người (vợ chồng anh và 2 đứa con) ngày nào cũng nhổ 70-80 bó, có đồng ra đồng vô nên đỡ vất vả hơn trước. Bao nhiêu năn mang ra chợ cũng hết sạch”.

 

Theo anh Sơn, hiện cây năn không còn “luẩn quẩn” ở các chợ xã mà đã vươn lên chợ huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú (Sóc Trăng) và bay sang tận… huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu). Năn lột vỏ có thể chế biến các món như: trộn gỏi thịt gà, xào tép, xào nghêu, xào nước cốt dừa hoặc ăn sống với cá kho tộ, mắm kho hay nấu canh với thịt heo, bò...

 

Chính vì vậy, ở miệt Vĩnh Phú, Ngan Dừa (Bạc Liêu), năn có giá cao gấp nhiều lần so với tại Mỹ Quới, Ngã Năm. Theo UBND xã Mỹ Quới, toàn xã hiện có hàng chục ha đất ruộng, đất lung bàu được chăm sóc cẩn thận chỉ để… nhổ năn. Bởi nhờ cây năn, hàng trăm hộ nghèo có công ăn việc làm và có thu nhập không nhỏ.

 

Cỏ lác hóa ngọt ngào

 

Giống như vùng Mỹ Tây, Mỹ Tường… đất ở vùng Mỹ Thọ, Mỹ Đông của xã Mỹ Quới (Ngã Năm, Sóc Trăng) phèn cũng nhiều không kém. Cưới vợ xong, anh Huỳnh Văn Chiến, ở ấp Mỹ Đông 1 được bên nhà vợ cho 6 công đất. Siêng năng làm lụng, vậy mà cái nghèo vẫn đeo đẳng anh. Năm nào may mắn, lúa được chừng 8-10 giạ lúa/công/vụ là mừng quýnh, còn thời tiết không thuận, là coi như mất trắng. Đánh liều vay 5 triệu đồng của quỹ xóa đói giảm nghèo, anh Chiến làm bờ bao… trồng lác. Đi qua ruộng anh, ai cũng chặc lưỡi vì… thằng Chiến “khùng”.

 

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, những người dệt chiếu trong xã đổ xô tìm đến tận ruộng anh, tranh mua lác tươi với giá 1,5 triệu đồng/công. Anh khoe: “Ngoài cây lác tôi xen canh, kiếm thêm vài trăm ký cá đồng. Mới một năm, tôi đã trả dứt nợ ngân hàng và trả lại sổ hộ nghèo”. Theo anh Chiến, nếu bón phân thường xuyên, 1 công lác có thể thu hoạch đến 4 vụ/năm (thu nhập khoảng 6 triệu đồng/công/năm), chưa tính đến nguồn cá đồng nuôi xung quanh ruộng lác. Đó là chưa kể, lúc “khát” nguyên liệu, giá lác tăng từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng/công.

 

Chỉ nhờ 1 công lác mà gia đình chị Nguyễn Thị Liên (ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Qưới) đã thoát cảnh nghèo. Chị Liên tính toán, 1 công lác dệt được 200 đôi chiếu trắng, giá 40.000 đ/đôi. Trong 3 tháng, 1 công lác sẽ cho thu nhập 8 triệu đồng. “Mỗi năm thu hoạch 4 vụ, lấy nguyên liệu phục vụ nghề dệt chiếu sẵn có của gia đình, tôi sẽ có tổng thu nhập 30 triệu đồng, đủ lo cho mấy đứa nhỏ ăn học”- chị Liên phấn khởi.

 

Cũng trồng lác- dệt chiếu nhưng thu nhập của chị Lâm Thị Hoàng khá hơn nhờ dệt chiếu hoa (vì giá chiếu hoa gấp 3 lần chiếu trắng)... Toàn xã Mỹ Quới hiện có hơn 50 hộ trồng loại “cỏ dại” này mà cung vẫn không đủ cầu.

 

Không chỉ có lác tươi, loại lác “dạt” (lác ngắn, không dệt chiếu được) còn tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau… chỉ cần phơi sơ 2 nắng, bán cho thương lái mua, giá 3.000 đ/kg”.

 

Mô hình trồng lác - nuôi cá; trồng lác - dệt chiếu hiệu quả ngày càng thiết thực nên UBND xã Mỹ Quới đã lập đề án để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngã Năm cho những hộ nghèo, ít đất sản xuất vay vốn để trồng lác. Bước đầu, đã có hơn 90 hộ được vay vốn ưu đãi (từ 2,5 đến 3 triệu đồng/hộ, trong thời hạn 3 năm) để trồng lác kết hợp nuôi cá và dệt chiếu.

 

Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cũng đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để xây dựng một câu lạc bộ dệt chiếu tại ấp Mỹ Thọ nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nhằm giúp cho người dân vùng đất lung phèn thoát nghèo từ “cây hoang cỏ dại”.