Từ năm 2004 đến nay, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên đã có hơn 100 hộ xây dựng được 116 công trình khí sinh học phục vụ đời sống, sản xuất, trong đó có 96 công trình được Bộ Hợp tác và Phát triển Hà Lan, tổ chức Phát triển Hà Lan – SNV hỗ trợ. Nhờ có các công trình này, môi trường nông thôn đã giảm thiểu ô nhiễm, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.
Điển hình trong xây dựng, sử dụng mô hình khí sinh học ở Phúc Trìu như gia đình bà Lê Thị Vân, xóm Rừng Chùa, một trong những hộ nông dân có quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 70 đến 80 đầu lợn/lứa. Mỗi năm gia đình bà xuất bán ra thị trường khoảng 12 tấn lợn hơi, tương đương với số tiền gần 200 triệu đồng. Nhưng cũng từ chăn nuôi, gia đình bà Vân phải sinh sống trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm do hơi phân và các chất thải của đàn lợn. Thậm chí một số hộ dân sinh sống cùng xóm buộc phải lên tiếng, đề nghị gia đình bà Vân phải xử lý triệt để việc ô nhiễm môi trường. Bằng không, gia đình bà Vân phải giảm quy mô chăn nuôi.
Đang loay hoay tìm cách tháo gỡ thì con trai bà - anh Chu Văn Năm thấy một số bà con khác cùng xã có quy mô chăn nuôi từ 30 đến 50 đầu lợn/lứa, song nhờ có công trình khí sinh học, toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý, môi trường không khí đã không còn bị ô nhiễm như trước đây. Trên cơ sở kinh nghiệm của bà con chòm xóm, sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông T.P Thái Nguyên, năm 2006 anh Năm mạnh dạn đầu tư hơn 15 triệu đồng để xây dựng hoàn thiện công trình khí sinh học của gia đình, gồm bể chứa chất thải chăn nuôi rộng gần 50m3, bể điều áp gần 20m3 và 1 bể có sức chứa hơn 10m3 trước khi để nước trở lại môi trường tự nhiên. Anh đầu tư hệ thống dây dẫn khí đốt phục vụ việc nấu ăn, nấu ruợu và dùng thắp đèn mỗi tối. Cùng đó là hệ thống đường ống dẫn nước tưới cho gần 7.000 m2 diện tích cây cảnh, chủ yếu là quất, cam... Bà Vân, mẹ anh Năm đã nói với chúng tôi: Nếu không có công trình khí sinh học, chắc chắn ngay cả những người trong nhà cũng không ở nổi vì mùi hôi từ chất thải chăn nuôi.
Chúng tôi theo bà Vân ra phía sau khu chuồng trại chăn nuôi lợn, thấy ở đó là các bể lớn được xây chìm dưới đất. Nhưng chính hệ thống bể được xây dựng theo quy trình đơn giản này đã làm các chất thải - của bỏ đi trong chăn nuôi trở nên có giá trị hơn. Anh Chu Văn Năm cho biết: Việc chăm bón bằng nước thải từ công trình khí sinh học, cây cảnh phát triển rất tốt, lá to, dày, ít phải phun thuốc trừ sâu, quả cũng to, đẹp mã hơn so với việc sử dụng phân bón hóa học. Nhờ vậy mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng tiền phân bón, chưa kể chất đốt hằng ngày.
Hiện xóm Rừng Chùa có 8 hộ xây dựng công trình khí sinh học được Dự án hỗ trợ. Qua kiểm tra, các công trình đều được sử dụng, khai thác có hiệu quả về xử lý chất thải chăn nuôi và đem lại lợi ích kinh tế thiết thực. Một số hộ khác cùng xóm cũng mạnh dạn tự thiết kế, tự xây dựng công trình khí sinh học lấy chất đốt, lấy nước tưới cho cây chè và các loại cây hoa màu khác. Ông Long Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND Phúc Trìu cho biết: Trong nông thôn, hộ nông dân nào cũng chăn nuôi dăm ba con lợn để sử dụng nước cơm thừa. Còn số hộ chăn nuôi ở quy mô từ 10 đầu lợn/lứa trở lên có hơn 200 hộ. Trung bình hằng năm, toàn xã có khoảng 1.000 tấn lợn hơi thương phẩm, tương đương với số tiền 24 tỷ đồng. Nhưng với nông dân xã Phúc Trìu, chăn nuôi không phải là nguồn thu nhập chính, mà chủ yếu cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng.
Theo tính toán của ông Thịnh và các chủ hộ chăn nuôi tôi gặp, mỗi đầu lợn sau chu kỳ nuôi 3 tháng, trừ tiền cám, tiền thuốc phòng bệnh, người nuôi được chừng 500 nghìn đồng tiền công. Nhưng các hộ vẫn đầu tư cho đàn lợn, vì sản phẩm thừa của chăn nuôi được sử dụng quay trở lại phục vụ sản xuất, khi đó mới sinh ra lợi nhuận thực sự cho nông dân. Chúng tôi sang xóm Thanh Phong, xóm có nhiều hộ xây dựng được công trình khí sinh học của xã Phúc Trìu - 30/50 hộ. Gặp ngay ngoài đồi chè xanh mướt, ông Phạm Trần Ninh đang phun nước tưới chè.
Mới hôm qua trời mưa, sao hôm nay chè phải tưới? Tôi hỏi
Đây là phun nước "phân đạm". Nếu không có đạm, chè không lên, không ngon, bán không có giá.
Nguồn "phân đạm" ấy được ông Ninh lấy lên từ bể chứa của công trình khí sinh học của gia đình. Tuy quy mô chăn nuôi không lớn, mỗi lứa bình quân 20 đầu lợn nhưng gia đình ông Ninh có đủ chất đốt phục vụ việc thổi nấu, đun nước tắm gội mà không mất tiền. Ông Ninh cho biết: Mỗi năm gia đình tôi xuất bán được gần 4 tấn lợn hơi, nhưng chỉ có lãi khoảng 40 triệu đồng. Song từ chăn nuôi, gia đình tôi có nước khí sinh học tưới cho 5 sào chè, 4 sào lúa. Lúa cấy sau hơn mươi ngày thì dùng nước khí sinh học tưới thay phân đạm. Còn chè mỗi lứa (hơn 30 ngày/lứa) tôi tưới 2 lần, khi thu hoạch được búp chè xanh hơn, năng suất cao hơn so với chè bón phân hoá học từ 3 đến 5 kg/sào. Đặc biệt, cách chăm bón này đã tăng cường cho cây chè sức đề kháng, ít bị sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Bởi vậy chè ngon hơn, sạch hơn, mỗi kg có giá bán cao hơn khoảng 30 nghìn đồng so với chè được chăm sóc bằng phân bón hóa học, kèm phun thuốc trừ sâu.
Theo lời ông Ninh, trên diện tích 5 sào chè, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng tiền phân bón và tiền thuốc trừ sâu... Bà Đặng Thị Đường, xóm Thanh Phong nói vui: Chè được bón tưới từ công trình khí sinh học, đun nước pha trà cũng từ khí sinh học. 76 tuổi đời tôi mới nghiệm ra, công trình khí sinh học đem lại cho nông dân nhiều ích lợi, giảm thiểu tình trạng môi trường chăn nuôi trong nông thôn bị ô nhiễm; giải quyết chất đốt tại chỗ, đồng thời cải tạo đất, làm tăng năng suất cây trồng...
Trở lại câu chuyện với ông Long Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Thịnh cho biết: Xã Phúc Trìu có 300 ha chè kinh doanh, cây chè được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện trong xã còn nhiều nông hộ chưa có đủ điều kiện xây dựng công trình khí sinh học, chất thải từ chăn nuôi vẫn được trả lại môi trường tự nhiên mà chưa qua xử lý. Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn để xây dựng công trình khí sinh học.
Dọc đường về tôi đã tự nhẩm tính: Với 300 ha chè kinh doanh của xã Phúc Trìu, nếu 100% diện tích được sử dụng nước tưới từ công trình khí sinh học, mỗi năm nông dân trồng chè của riêng xã này tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng tiền phân bón và thuốc trừ sâu. Quan trọng hơn, chất thải chăn nuôi sau khi qua xử lý của công trình khí sinh học, không chỉ có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn cho chất lượng chè đạt các tiêu chuẩn cao hơn.