Để cây chè phát huy được thế mạnh

09:28, 04/05/2009

Thái Nguyên hiện có gần 17 nghìn ha chè, sản lượng búp tươi hằng năm đạt 125 nghìn tấn, tương đương khoảng 250 tỷ đồng, chiếm hơn 13% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong 3 năm gần đây (từ 2006 đến hết năm 2008), Thái Nguyên đã xuất khẩu được gần 18 nghìn tấn chè khô, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 20 triệu USD, chủ yếu vào thị trường các nước Pakistan, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản....

Mặc dù hàng năm, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè tăng (Năm 2006 có 6 đơn vị; năm 2007 11 đơn vị; năm 2008 12 đơn vị) nhưng thị phần tại các nước trên thế giới dành cho chè Thái Nguyên lại không tăng: Năm 2006, lượng chè xuất khẩu trên 6.000 tấn, năm 2008 giảm xuống còn hơn 5.000 tấn.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm sản lượng chè xuất khẩu bởi nền kinh tế toàn cầu bị khủng khoảng, thị trường tiêu thụ chè gặp khó khăn hơn. Đa số các doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu, trừ  Nhà máy chè Sông Cầu, Quân Chu và gần đây đã có thêm doanh nghiệp chè Vạn Tài... Việc thu mua chè giữa các doanh nghiệp và người dân trồng chè chưa có hợp đồng chặt chẽ, do đó các doanh nghiệp bị động trong sản xuất, kinh doanh. Tại các vùng nguyên liệu, nông dân chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc trồng, thu hái và chế biến chè. Ngay cả các vùng chè đặc sản là Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng (Đại Từ)... nông dân sản xuất còn manh mún sản phẩm chè làm ra không theo quy chuẩn, phẩm cấp nào cả nên tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu đều không chủ động được thị trường, giá bán thấp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng với vị thế của chè Thái Nguyên.

 

Việc quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên cũng chưa được áp dụng nghiêm ngặt, hiện tượng lợi dụng thương hiệu còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều thị trường trong nước. Một điểm yếu nữa trong xuất khẩu chè của tỉnh là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước và Hiệp hội chè của tỉnh chưa thực sự gắn bó, nên chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau về thông tin thị trường, vốn kinh doanh...

 

Chè Thái Nguyên mặc dù đã được Nhà nước bảo hộ, nhưng điều quan trọng là phải làm như thế nào để sản phẩm chè đứng chân được ở thị trường trong nước và thế giới. Các giải pháp về khoa học - công nghệ được đưa ra, như việc ngành Nông nghiệp và PTNT xác định và chỉ đạo cho các huyện, thị và thành phố thực hiện cơ cấu giống chè có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái và quy hoạch vùng nguyên liệu; áp dụng đồng bộ, hợp lý hệ thống công nghệ - kỹ thuật tiên tiến kết hợp với kỹ thuật truyền thống trong quá trình sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản, đóng gói nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè…

 

Đặc biệt trang Web do Sở Công thương xây dựng, đã cập nhật nhiều thông tin về văn bản pháp luật, hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất về các thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè trong nước và thế giới. Giúp các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu và xuất khẩu uỷ thác chè của Thái Nguyên có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua việc giới thiệu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia một số hoạt động hội chợ thương mại quốc tế được tổ chức trong nước và nước ngoài.